Việt Nam sẽ là đầu tàu cho hoạt động xuất khẩu khu vực Đông Nam Á năm 2020?
Việt Nam đi đầu Đông Nam Á về triển vọng xuất khẩu
PECC cho biết sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu là một mối lo lớn, khi mà tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ giảm mạnh từ mức 4% năm 2018 xuống 0,9% trong năm nay, trước khi tăng trở lại mức 3% vào năm 2020.
PECC là quan sát viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và không liên kết với bất kì chính phủ nào.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ảnh hưởng đến nhiều trung tâm sản xuất lớn như Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, từ đó kéo theo tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu của khu vực đi xuống.
Trong báo cáo thường niên, PECC thông tin rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu mạnh.
"Cơ hội của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào môi trường thương mại chung và liệu tranh chấp thương mại có gây hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế hay không", bản báo cáo nêu rõ.
Ảnh: AP.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng hơn 12%. PECC cho biết các nền kinh tế Đông Nam Á khác cũng sắp tăng trưởng theo quĩ đạo tương tự, mặc dù kì vọng đối với Philippines và Indonesia thấp hơn Việt Nam.
Nền kinh tế khu vực vào năm tới hiện ra như thế nào trong mắt chính phủ, doanh nghiệp?
Nhận định chung về nền kinh tế khu vực được phản ánh trong một cuộc khảo sát trên hơn 600 nhân viên chính phủ, doanh nghiệp, người dân, giới học giả và truyền thông trong khu vực. Cuộc khảo sát được PECC tiến hành trong giai đoạn tháng 8 - 9/2019.
Khảo sát cho thấy 42,2% số người được hỏi dự đoán nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 12 tháng tới, trong khi 30,1% nhận định tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chững lại. Số còn lại chưa đưa ra quyết định hoặc dự đoán kết quả tương tự năm trước.
Ngược lại, 68% tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong 12 tháng tới. Ngoài ra, 61,4% dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng yếu hơn vào năm 2020, trong khi 69,3% nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại.
Trong nhóm 68% nhận định kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, Tổng thư kí PECC, ông Eduardo Pedrosa cho biết: "Đây là một sự thay đổi khá bất ngờ. Chúng tôi chưa bao giờ nhận về dự báo như vậy kể từ khi bắt đầu khảo sát khoảng 10 năm trước. Tôi thấy kết quả này rất đáng lo".
Chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại gia tăng được 64% người tham gia khảo sát xem là rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong hai đến ba năm tới, trong khi 55% cho biết sự chững lại trong hoạt động thương mại thế giới là một rủi ro khác và 48% cho rằng việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc là một nhân tố cản trở tăng trưởng.