|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020

09:52 | 20/12/2019
Chia sẻ
Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi.

2019: Một năm tương đối thành công về mặt kinh tế

Theo nhận định của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, 2019 là năm tương đối thành công về mặt kinh tế của Việt Nam khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm.

Không như nhiều nền kinh tế châu Á khác vốn đang gặp nhiều thách thức để duy trì tăng trưởng và vượt qua rủi ro, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7% trong quí III/2019, quan trọng hơn, tăng trưởng được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ.

Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh là đầu tàu kéo thương mại phát triển. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2019 chứng kiến mức thặng dư thương mại kỉ lục với mức xuất siêu 11 tháng năm 2019 lên đến 9,1 tỷ USD, đặc biệt nhờ vào đóng góp từ lĩnh vực điện thoại và linh kiện.

Xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù giảm nhẹ so với năm trước, vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kì, tính tới thời điểm tháng 11 năm nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang tạo ra những bất ổn trong kinh tế thế giới. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng so với các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, bán lẻ được kì vọng vượt qua mức của năm 2018, tăng 12,6% so với cùng kì tính tới tháng 11. Cụ thể, vận tải, đồ uống và thực phẩm, quần áo đều đang phát triển mạnh mẽ. "Chúng tôi kì vọng mức tăng trưởng sẽ được duy trì một cách bền vững trong điều kiện vốn FDI đang và sẽ tiếp tục đổ vào nền kinh tế", ông cho biết.

Về FDI, dòng vốn chuyển hướng qua Việt Nam, củng cố vị thế ngành sản xuất. Trong ba quí đầu năm, dòng vốn đăng kí mới đã đổ vào ngành sản xuất, cụ thể là điện tử. Trong khi đó, vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kì năm trước.

Áp lực lạm phát

Năm 2019, áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu "dưới 4%" mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc lục địa, Mỹ và EU. Các thị trường này chiếm tới một nửa tổng khối lượng xuất khẩu của Việt  Nam do đó xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu có sự suy giảm về cầu, từ đó tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.

Với lạm phát, mặc dù ở môi trường triển vọng về giá dầu giảm, lạm phát có thể được kiểm soát tuy nhiên trong những tháng cuối năm chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đây cũng là tín hiệu đáng quan sát cho năm sau.

Những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020

Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi. "Trong lúc đó, chúng ta vẫn cần cân đối giữa quản lí để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế", ông nhận định.

Một yếu tố cần lưu ý nữa là Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và bất cứ một sự suy giảm về cầu cũng có tác động tới tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, cần phải xét tới thực tế là các nền kinh tế đối tác thương mại của Việt Nam sẽ giảm nhẹ tăng trưởng trong năm 2020.

Để có thể duy trì tăng trưởng trong năm sau, Việt Nam sẽ cần nhiều cải cách hơn nữa, đồng thời phát triển thị trường vốn nợ nội địa. Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam còn đi sau các nước trong khu vực khá xa, thị trường trái phiếu chính phủ có qui mô nhỏ nhất Đông Nam Á, vẫn còn dư địa để phát triển nếu có và thực hiện đúng những kế hoạch cho trung và dài hạn.

Trúc Minh

Cơn sốt sau bầu cử hạ nhiệt: Dow Jones mất hơn 380 điểm, S&P 500 đứt chuỗi tăng 5 phiên
Cả ba chỉ số chính đều rời khỏi đỉnh lịch sử sau khi động lực tăng giá hậu bầu cử dần biến mất. Hiện thị trường đang chuyển sự chú ý sang loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.