|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bằng 4 chữ Shark Bình chỉ ra triết lý chọn thị trường cho startup, khuyên nếu không có 4 chữ này nên dừng lại, tìm hướng mới cho đỡ phí thanh xuân

17:00 | 03/09/2021
Chia sẻ
Trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4, Shark Bình từng nói một startup có tên MoneyBot nên thay đổi hướng đi để đỡ phí tuổi thanh xuân.

Trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, bà Trần Thu Hằng và ông Trần Đức Giang đã đem đến dự án MoneyBot, một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). MoneyBot kêu gọi khoản đầu tư 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Tuy nhiên, tại thời điểm gọi vốn trên sóng truyền hình, ứng dụng MoneyBot vẫn chưa được đưa lên các kho ứng dụng. Shark Nguyễn Hòa Bình, ông chủ tập đoàn NextTech khẳng định các công nghệ mà MoneyBot đang áp dụng không có gì mới. Cùng thời điểm, startup này cũng vào thị trường quá muộn. Vì thế, ông khuyên MoneyBot không nên đi theo hướng "sáng chế lại chiếc bánh xe".

Ngoài ra, ông cho rằng MoneyBot nên thay đổi hướng đi để "đỡ phí tuổi thanh xuân" vì công nghệ không có gì mới, trong khi đó với người đi sau, để có được một người dùng thì chi phí marketing người dùng sẽ gấp ba lần một công ty đi trước. Kết thúc chương trình, MoneyBot ra về mà không nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào từ các Shark.

Shark Bình: MoneyBot ra về tay trắng trên Shark Tank bởi thiếu 4 chữ 'Tiên - khác - lực - tồn' - Ảnh 1.

MoneyBot ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam mùa 4. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Gần đây, trên Fanpage chính thức, ông chủ NextTech một lần nữa chia sẻ lại câu chuyện về startup MoneyBot. "Bạn nào đã xem thì đều biết đặc điểm của MoneyBot, còn "non và xanh", thậm chí tại thời điểm ghi hình (tháng 5) sản phẩm còn chưa ra mắt thị trường", Shark Bình nhắc lại.

Lý do để Shark Bình gọi MoneyBot là "non" bởi startup này hoàn toàn chưa có số liệu để phân tích khi lên sóng chương trình gọi vốn. Trong khi đó, về lý gọi MoneyBot "xanh", Shark Bình tin rằng startup đã chọn nhầm thị trường.

Theo quan điểm của vị "cá mập" này, startup chỉ có hai hướng lựa chọn thị trường, gồm thị trường ngách (Niche market) và thị trường cận biên (Frontier Market). Thị trường cận biên được hiểu thị trường mới, chưa ai nghĩ đến và chưa ai làm. 

Ví dụ tiêu biểu cho thị trường cận biên chính là startup Uber cách đây 10 năm. Trong khi đó, thị trường ngách được hiểu là thị trường không mới, nhưng các ông lớn chưa để ý đến. Khi đó, cơ hội tồn tại của startup sẽ tăng lên trước khi nghĩ đến việc đánh chiếm các thị trường mới.

"Trong quan điểm lựa chọn thị trường, tôi có bốn chữ triết lý: Tiên – khác – lực – tồn", Shark Nguyễn Hòa Bình chia sẻ. Theo đó, "tiên" ở đây có nghĩa là tiên phong. Nếu startup là những người tiên phong, đi đầu, khả năng làm ra những điều lớn lao sẽ cao hơn.

Shark Bình cũng liên hệ trực tiếp chữ "tiên" với trường hợp MoneyBot bởi đây không phải là một ứng dụng quá mới mẻ. "Chắc nhiều bạn đã từng dùng các ứng dụng tương tự như vậy. Chúng ta có thể lên App Store hoặc Google Play để tải những ứng dụng quản lý tài chính cá nhân. Ở Việt Nam, có một bạn tên Huy đã làm ra ứng dụng Money Lover, đang có khoảng vài triệu người dùng", ông nói thêm.

Nếu đã không có chữ "tiên", startup buộc phải "khác", chẳng hạn như sản phẩm khác biệt, mô hình kinh doanh khác biệt, tính năng khác biệt,… MoneyBot cũng không đạt được chữ "khác".

"Những gì các bạn ấy quảng cáo, chẳng hạn như nhập liệu bằng chat bot hay voice đều không có gì khác biệt. Thậm chí, trong thời đại công nghệ, các bạn có thể lập trình mô đun có sẵn cho những ứng dụng mới… Tôi cho rằng trong vòng một tuần, những người đi trước có thể tích hợp những gì MoneyBot cho là khác vào ứng dụng của họ", Shark Bình chia sẻ.

Về chữ "lực", ông chủ NextTech giải thích rằng từ này được hiểu là nhiều nguồn lực (nhiều tiền, sự trợ giúp,….) để vượt mặt các đối thủ. Theo Shark Bình, Vingroup chính là ví dụ tiêu biểu cho chữ "lực" trong việc lựa chọn thị trường. "Đã đi sau mà không khác biệt thì chúng ta phải có nguồn lực. Tất nhiên, MoneyBot không có năng lực này", ông Bình khẳng định.

Cuối cùng, "tồn" được hiểu theo nghĩa startup có cơ hội cùng tồn tại hay không. "Ví dụ, chúng ta mở một chuỗi cửa hàng quần áo mà đối thủ chưa có, hoặc chúng ta có thể làm tốt hơn họ để cùng tồn tại với họ", Shark Bình lấy ví dụ. Riêng trong lĩnh vực công nghệ, những đơn vị lớn sẽ chiếm hầu hết thị phần. Vì vậy, chỉ những startup theo kiểu offline mới có khả năng cùng tồn tại.

Chốt lại, với những startup không có một trong 4 chữ trên, Shark Bình đưa ra lời khuyên nên dừng lại và tìm kiếm hướng đi mới để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức.

Quốc Anh