Bán vốn Nhà nước nhìn từ thương vụ Vinamilk
|
Mặc dù khối lượng bán không như kỳ vọng, nhưng với mức giá giao dịch đạt 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7,7% giá đóng cửa của ngày chào bán, thương vụ thoái vốn đợt 1 của SCIC tại Vinamilk được xem là một thương vụ tiêu biểu của năm 2016.
Giá bán cao hơn giá thị trường
Hai nhà đầu tư nước ngoài gồm: F&N Dairy Investment Pte Ltd (là cổ đông hiện hữu của VNM và sở hữu 10,95% vốn điều lệ) và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD đã trở thành người mua trong giao dịch đặc biệt này.
Công tác chuẩn bị cho cuộc chào bán cạnh tranh chính thức được lên lịch từ giữa năm 2016. Sau quy trình chọn đơn vị tư vấn, là một loạt các hoạt động: tổ chức roadshow, xây dựng quy chế chào bán, làm việc với các cơ quan liên quan để phối hợp, kiến nghị các giải pháp tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia.
Với quy mô bán vốn lên tới hơn 130 triệu cổ phiếu, để đảm bảo sự thành công, quan trọng nhất là kết nối với các nhà đầu tư có nhu cầu. Bởi vậy, bên cạnh việc tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư trong nước, SCIC, Vinamilk và Liên danh tư vấn (gồm Morgan Stanley, Vinacapital và SSI) đã tổ chức các buổi gặp gỡ với hơn 100 nhà đầu tư tiềm năng tại 3 trung tâm tài chính lớn như: Singapore, Hồng Kông, London.
Tại đây, bên cạnh những cổ đông hiện hữu của Vinamilk còn có cả những nhà đầu tư chưa biết đến Vinamilk, thậm chí một số khác chưa bao giờ đầu tư vào Việt Nam. Các thông tin về doanh nghiệp cũng như về đợt chào bán đều được công bố công khai trên thị trường.
“Các nhà đầu tư đều đánh giá cao về Vinamilk, coi đây là một trong những doanh nghiệp thành công hàng đầu của Việt Nam”, đại diện đơn vị tư vấn chia sẻ khi được hỏi về mức độ quan tâm của thị trường quốc tế đối với cơ hội Vinamilk.
Bên cạnh những ý kiến khả quan, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự e ngại đến quy trình chào bán ở Việt Nam. Một số thủ tục như việc đặt cọc 10% bằng VND, các quy trình, ký các biểu mẫu cũng khá là rắc rối… đã khiến họ trở nên dè dặt hơn. Cũng tại những buổi gặp gỡ này, đã có không ít nhà đầu tư bày tỏ quan điểm về giá bán và họ không thích cơ chế bỏ giá cao thì trúng. Cùng là nhà đầu tư như nhau, một bên trúng giá cao, một bên trúng giá thấp, thì vô hình chung bên trúng giá cao sẽ bị đánh giá về năng lực.
Trong khi đó, với các thương vụ tương tự ở nước ngoài, họ tiến hành phương pháp dựng sổ thì tất cả các nhà đầu tư sẽ được mua cùng giá. Mặt khác, do mức giá khởi điểm được xác định cao hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán nên không thu hút được các nhà đầu tư tài chính tham gia.
“Xác định đây là thương vụ bán vốn Nhà nước quy mô lớn đầu tiên, SCIC và liên danh tư vấn cố gắng lắng nghe ý kiến của nhiều phía nhằm xây dựng một quy trình chuẩn để báo cáo với các cơ quan ban ngành tìm giải pháp để thực hiện”, phía SCIC nói.
Đây cũng là động lực để bên chào bán và tư vấn quyết định xin cơ chế cho đặt cọc bằng USD để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đến ngày chào bán, 60% tổng số lượng cổ phần Vinamilk chào bán được nhà đầu tư mua với giá cao hơn 7,7% so với thị trường ở cùng thời điểm, giá trị thương vụ đạt con số 500 triệu USD, lớn nhất Đông Nam Á về giao dịch cổ phiếu trong năm 2016 và cũng là một trong những giao dịch hiếm hoi mà giá bán cao hơn thị trường.
Khai mở con đường bán vốn
Theo đại diện SSI, đơn vị tư vấn, thương vụ thoái vốn tại Vinamilk là một nhiệm vụ khó khăn và bên bán có nhiều mục tiêu tham vọng. Nếu một trong các mục tiêu thay đổi, chúng tôi nghĩ khả năng bán hết là rất cao. Tuy nhiên, đối với Chính phủ, Vinamilk là một tài sản tốt, một công ty hàng đầu ở Việt Nam, Chính phủ không có ý định bán bằng mọi giá.
“Bên bán muốn thoái vốn tại Vinamilk, nhưng trong các điều phải thỏa mãn tất cả các mục tiêu, bao gồm: giá, thanh khoản của thị trường sau khi thoái vốn, không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty thì kết quả như vậy cũng được cho là thành công, và nằm trong dự kiến”, vị đại diện này nhận xét.
Phiên chào bán đợt 1 cổ phần VNM đã kết thúc với kết quả nằm trong dự kiến, tuy nhiên cũng vẫn còn rất nhiều tâm tư. Qua đợt chào bán đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần.
Đối với việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã khá tích cực trong việc làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng đồng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng VND, nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.
Về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường.
So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và đảm bảo các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.
Để thực hiện các đợt bán cổ phần nhà nước quy mô lớn các lần sau thành công hơn, SCIC cho biết sẽ tổng hợp kết quả bán vốn, phản hồi của thị trường và các đơn vị tư vấn để báo cáo và kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật cho phép các cơ chế bán cổ phần linh hoạt và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế như: bỏ quy định về đặt cọc, nghiên cứu luật hóa phương thức dựng sổ…
Mặc dù khối lượng bán ra không trọn vẹn như kỳ vọng nhưng thương vụ bán vốn Nhà nước tại Vinamilk sẽ khai mở một con đường cho quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn và có mức ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong năm 2017.