|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường gạo tuần 52: 2019 dự báo một năm khó khăn cho xuất khẩu gạo Việt Nam, Thái Lan

08:14 | 30/12/2018
Chia sẻ
Tuần thứ 52 của năm ghi nhận một tuần ảm đạm của thị trường xuất khẩu gạo, với các dấu hiệu cho thấy thị trường gạo Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới.
ban tin thi truong gao tuan 52 2019 du bao mot nam kho khan cho xuat khau gao viet nam thai lan Bản tin thị trường gạo tuần 51: Phoenix đầu tư phát triển gạo bền vững ở Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm

Theo đó, nhu cầu gạo trên thị trường gạo chậm lại trong giai đoạn cuối năm, khiến giá gạo xuất khẩu tại các quốc gia xuất khẩu chính đều giảm.

Reuters cho biết, giá gạo 5% của Ấn Độ giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn 378 - 384 USD/tấn trong tuần này. Nhu cầu yếu vì giá cao và hầu hết nhà giao dịch đang trong kì nghỉ, một nhà xuất khẩu tại Kakinada, thuộc miền nam Andhra Pradesh, cho biết.

Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% giảm còn 380 - 390 USD/tấn (FOB), từ mức 390 - 391 USD trong tuần trước. Giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam duy trì ở mức 385 USD/tấn.

Nhiều thương nhân cho biết vì mùa nghỉ lễ nên thị trường sẽ không khởi sắc cho tới sau Tết Nguyên đán.

Gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt hơn quản lí về chất lượng và hạn chế số lượng các công ty Việt Nam có quyền xuất khẩu gạo sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dấy lên lo ngại xuất khẩu sẽ giảm trong năm tới.

11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 40% so với năm ngoái xuống còn 1,3 triệu tấn, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết.

ban tin thi truong gao tuan 52 2019 du bao mot nam kho khan cho xuat khau gao viet nam thai lan
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, hôm 28/12, Reuters đưa tin Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa cho gạo nhập khẩu từ Mỹ. Theo đó, từ ngày 27/12, gạo không xát, gạo xoa và gạo tấm từ Mỹ được phép nhập khẩu vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu các lô hàng đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm tra của Trung Quốc và đăng kí với Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Vẫn chưa rõ lượng gạo Trung Quốc mua từ Mỹ là bao nhiêu nhưng sự xuất hiện của gạo Mỹ cũng làm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường lớn này.

Ngoài ra, theo PhnomPenh Post, công ty Henan Yuguang International Economic and Technical Cooperation (HYIETC) của Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đầu tư vào các kho chứa gạo, nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo Campuchia lên 500.000 tấn mỗi năm.

Về tình hình xuất khẩu gạo, Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) cho biết quốc gia này chỉ xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn gạo thường và gạo tấm trong vòng 8 tháng, tính từ ngày 1/4 đến ngày 14/12.

Myanmar đã mở rộng xuất khẩu gạo sang các thị trường mới trong năm tài khóa 2017 - 2018 và khoảng 3,6 triệu tấn gạo đã được xuất khẩu. Con số này đã phá vỡ kỉ lục trong hơn 50 năm.

Tuy nhiên, quốc gia này đang đối mặt với khả năng Liên minh châu Âu (EU) rút lại chương trình ưu đãi tổng quát (GSP) trong ba năm và áp thuế quan nhập khẩu đối với gạo xuất khẩu từ Myanmar.

Tại Thái Lan, tình hình xuất khẩu gạo cũng không mấy khả quan vì cạnh tranh gay gắt và thời tiết khô hạn, theo Bangkok Post.

Ấn Độ trợ cấp 5% đối với xuất khẩu gạo non-basmati trong 4 tháng lên ngày 25/3/2019 và đổng rupee yếu đã thúc đẩy xuất khẩu gạo Ấn Độ, khiến chúng cạnh tranh hơn xuất khẩu từ Thái Lan với đồng baht mạnh.

Ngoài ra, Philippines,Indonesia và Trung Quốc dự báo sẽ trì hoãn nhập khẩu gạo từ Thái Lan trong năm 2019 sau khi nhập khẩu khối lượng tương đối lớn từ quốc gia này trong năm nay.

Tố Tố

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…