Bản tin thị trường gạo tuần 42: Xây dựng thương hiệu gạo, Việt Nam trúng thầu 28.000 tấn gạo bán cho Philippines
Cụ thể, trong phiên đấu thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo diễn ra vào hôm 18/10 tại Philippines, Cơ quan lương thực quốc gia (NFA) chỉ chấp nhận đấu thầu 47.000 tấn gạo vì chỉ có 4 công ty có thể đáp ứng mức giá được đưa ra là 428,18 USD/tấn.
4 công ty này gồm Thai Capital Crops, Vinafood 1, Vinafood 2 và công ty Cổ phần Nông nghiệp cao Khiêm Thành. Trong đó, Thái Capital đưa ra mức giá 426,23 tấn cho 180.000 tấn gạo thuộc lô 3, trong khi Vinafood 1 chào thầu với mức giá 427 USD cho 14.000 tấn gạo của lô 4.
Chính phủ Philippines vẫn chưa quyết định người chiến thắng lô 5 giữa Vinafood 1 và Khiêm Thành, với Vinafood 1 chào thầu với giá 427,5 USD và Khiêm Thành đưa ra giá 428 USD/tấn cho 14.000 tấn gạo. Như vậy, chắc chắn Việt Nam có hai công ty thành công trong đợt đấu thầu này.
Philippines sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm gạo để hỗ trợ bình ổn giá gạo. Tại buổi gặp gỡ với Liên đoàn các nhà bán lẻ ngũ cốc của Philippines để thảo luận về khả năng cho phép các nhà bán lẻ trực tiếp nhập khẩu gạo, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol đề xuất cho phép các nhà bán lẻ nhập khẩu 50.000 - 100.000 tấn gạo, nằm ngoài khối lượng truy cập tối thiểu.
Nếu nhập khẩu bổ sung cho các nhà bán lẻ sẽ được phê duyệt, tổng khối lượng nhập khẩu trong năm sẽ đạt 1,7 triệu tấn. Con số này gồm cả 500.000 tấn trước đó và 750.000 tấn chưa được đấu thầu.
Ảnh: adrexports.com |
Bên cạnh đó, một quốc gia khác cũng có ý định nhập khẩu thêm gạo trong thời gian tới là Ai Cập khi Tổng cục cung cấp hàng hóa (GASC) cho biết hôm 18/10, quốc gia này đang muốn nhập khẩu 25.000 tấn gạo, cộng hoặc trừ 5%, trong một phiên đấu thầu quốc tế.
Theo đó, GASC đang tìm kiếm gạo trắng xát hạt vừa hoặc nhỏ có nguồn gốc từ bất kì nơi nào, và là loại gạo 10 - 12% tấm. Hạn chót cho các hồ sơ dự thầu theo giá CIF là ngày 12/11 và gạo sẽ được chuyển đến vào ngày 1 - 31/1 và 1/2 đến 1/3.
Là một nhà xuất khẩu truyền thống, Ai Cập ước tính cần nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gạo trong mùa vụ này khi phải giảm sản xuất trong nước để tiết kiệm nước.
Diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết và nhu cầu ngày càng gia tăng đã thúc đẩy Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và tổ chức Crop Trust kí kết thỏa thuận đảm bảo nguồn tài trợ vĩnh viễn trị giá 1,4 triệu USD/năm để bảo tồn 136.000 giống lúa tại Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ 5 ở Singapore.
Các nhà khoa học trên thế giới sẽ sử dụng hạt giống được lưu trữ tại cơ sở công nghệ cao của IRRI ở Los Baños, Philippines để phát triển các giống lúa cải tiến có thể chịu được tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, đồng thời theo kịp với tốc độ gia tăng dân số thế giới và thay đổi sở thích của người tiêu dùng.
IRRI, trong quyết tâm tìm ra giải pháp cho các vấn đề nông nghiệp đặc biệt về sản xuất lúa gạo, đã hợp tác với Corteva Agriscience, bộ phận nông nghiệp của DowDuPont.
Hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) cho một thỏa thuận trong nhiều năm về hợp tác nghiên cứu lúa gạo, triển khai các công nghệ nhân giống mới và phát triển các chương trình nhân giống.
Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận tăng từ 400 USD - 405 USD trong tuần trước lên 405 - 410 USD/tấn, theo Reuters.
Lượng gạo Việt Nam xuất đi lớn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới, nhưng do tỷ trọng sản phẩm cấp thấp và trung bình chiếm phần nhiều nên giá trị đem về chưa cao. Có thể thấy, thương hiệu gạo Việt Nam vẫn là một bài toàn khó đang cần lời giải.
Tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, đại diện một công ty chia sẻ, gạo Việt Nam chưa chắc thua gạo Thái Lan về chất lượng, bởi một số loại gạo trong nước có đặc trưng riêng như cơm nấu xong thì hạt rời, cơm cứng hơn, kết cấu tốt hơn. Tuy nhiên, do Thái Lan xây dựng và phát triển thương hiệu gạo thơm ở thị trường nước ngoài từ lâu nên đã tạo được thói quen cho người tiêu dùng.