|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đi tìm lời giải cho bài toán thương hiệu gạo Việt Nam

16:20 | 16/10/2018
Chia sẻ
Mặc dù lượng gạo Việt Nam xuất đi lớn nhưng do tỷ trọng sản phẩm cấp thấp và trung bình chiếm phần nhiều nên giá trị đem về chưa cao. Cũng từ đây, thương hiệu gạo Việt Nam vẫn là một bài toàn khó đang cần lời giải.
di tim loi giai cho bai toan thuong hieu gao viet nam Doanh nghiệp thờ ơ thương hiệu gạo quốc gia

Bài toán thương hiệu gạo

Tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho biết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3,3 tỷ USD.

Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới, thị trường tăng lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng sang các nước Mỹ Latinh, Trung Đông.

Mặc dù vậy, thương hiệu gạo Việt Nam vẫn là một bài toàn khó đang cần lời giải.

di tim loi giai cho bai toan thuong hieu gao viet nam
(Ảnh: TGTT)

Ông Hải cho hay, dù lượng gạo Việt Nam xuất đi lớn nhưng tỷ trọng sản phẩm cấp thấp và trung bình chiếm phần nhiều, nên giá trị đem về chưa cao. Chất lượng gạo chưa ổn định do quy trình canh tác chưa chuẩn, và vẫn còn manh mún, sử dụng nhiều loại giống khác nhau. Những yếu tố này khiến sản phẩm gạo Việt Nam chưa thuần nhất.

“Điểm yếu của hạt gạo Việt Nam là chưa có thương hiệu mặc dù đã xuất khẩu trên 150 thị trường. Sản phẩm gạo Việt Nam khi xuất hiện trước mắt người tiêu dùng nước ngoài không phải là gắn nhãn Việt Nam. Hoặc nếu có nhãn mác Việt Nam thì họ cũng không coi gạo của chúng ta là lựa chọn số một”.

Đại diện một công ty chia sẻ, gạo Việt Nam chưa chắc thua gạo Thái Lan về chất lượng, bởi một số loại gạo trong nước có đặc trưng riêng như cơm nấu xong thì hạt rời, cơm cứng hơn, kết cấu tốt hơn. Tuy nhiên, do Thái Lan xây dựng và phát triển thương hiệu gạo thơm ở thị trường nước ngoài từ lâu nên đã tạo được thói quen cho người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết thực tế Việt Nam đã có đẩy đủ các giống gạo chất lượng cao.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa xây dựng vùng nguyên liệu riêng biệt, người nông dân trồng tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, chất lượng gạo chưa đồng đều”, bà Tiên nói.

Bà Tiên nhấn mạnh, ngay cả khi có giống tốt nhưng hiện nay chuỗi sản xuất từ cây giống đến thành hạt gạo và mang ra thị trường tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Mặc dù chuỗi sản xuất này đã có tín hiệu tích cực nhưng mới chỉ dừng lại ở một số tập đoàn lớn như Lộc Trời. Những doanh nghiệp lớn này đủ tiềm lực để xây dựng vùng nguyên liệu riêng biệt và đầu tư khoa học, kỹ thuật; đồng thời bao tiêu cho người nông dân.

Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định 1898. Mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Đề án này còn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.

Bà Tiên cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam có nhiều chủng loại gạo khác nhau như gạo trắng hạt dài, gạo nếp hạt tròng… Trước mắt, chúng ta nên tập trung xây thương hiệu gạo đặc sản, chất lượng cao. Sau khi thành công, chúng ta tiếp tục xây dựng thương hiệu cho gạo ở các phân khác”.

Ông Trần Thanh Hải cho hay, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp.

Tỷ lệ gạo chất lượng thấp xuất khẩu năm 2015 là 30,8% đến 8 tháng đầu năm nay giảm xuống còn 2,07%. Được biết, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46%; gạo thơm chiếm tới 33,24% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Hải cho biết thêm thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tỷ trọng xuất khẩu tại thị trường châu Âu và châu Mỹ. Dự kiến đến 2020, thị phần tại EU tăng lên 5% và đạt 6% vào năm 2030; châu Mỹ đạt 8% vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2030.

Xem thêm

Đức Quỳnh