|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương mại gạo tiềm ẩn biến động khó lường, XK gạo Việt Nam trước cơ hội vượt 3 tỷ USD trong năm 2018

19:32 | 10/10/2018
Chia sẻ
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3,3 tỷ USD. 
thuong mai gao tiem an bien dong kho luong xk gao viet nam truoc co hoi vuot 3 ty usd trong nam 2018 Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm trong tuần này vì sự cạnh tranh từ Thái Lan

Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ

Tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho biết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3,3 tỷ USD.

thuong mai gao tiem an bien dong kho luong xk gao viet nam truoc co hoi vuot 3 ty usd trong nam 2018
Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới, thị trường tăng lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng sang các nước Mỹ Latinh, Trung Đông.

Châu Á là thị trường tiêu thụ nhiều gạo Việt Nam nhất do thói quen ăn cơm, chiếm 68,4% thị phần; đứng thứ hai là châu Phi chiếm 14,9% thị phần; Châu Âu là thị trường tiêu thụ ít gạo Việt Nam nhất khi chỉ chiếm 1,25%.

Ông Hải cho hay, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Dự kiến đến năm 2020, thị phần tại EU tăng lên 5% và đạ 6% vào năm 2030. Châu Mỹ đạt 8% vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2030.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp.

Tỷ lệ gạo chất lượng thấp xuất khẩu năm 2015 là 30,8% đến 8 tháng đầu năm nay giảm xuống còn 2,07%. Được biết, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46%; gạo thơm chiếm tới 33,24% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu FOB (giá giao trên tàu) năm 2017 bình quân 452,6 USD/tấn, tăng 0,8%, tương đương mức tăng 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016.

Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 5 triệu tấn và giá trị xuất khẩu tăng 23,2% lên 2,5 tỉ USD. Giá FOB xuất khẩu bình quân khoảng 503,3 USD/tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; giá trị đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22% và đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan.

Thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.

Mặt hàng gạo nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao. Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.

Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu gạo khác đang phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh. Cùng lúc, các nước nhập khảu cũng đang nỗ lực tự cung tự cấp, đa dạng hóa nguồn cung và yêu cầu cao hơn về chất lượng. Đây là hai yếu tố cộng hưởng tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với gạo Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Đồng thời, ngành còn xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến và đóng gói. Cuối cùng, ngành sẽ tập trung xây dựng thương hiệu gạo việt Nam trên thị trường thế giới.

Xem thêm