Bản tin thị trường gạo tuần 17/2019: Trung Quốc đảm bảo xuất khẩu gạo Việt phát triển ổn định
Cụ thể, trong khuôn khổ các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai - Con đường lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong 3 ngày 25 - 27/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi gặp và làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong.
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục có những biện pháp phù hợp nhằm quản lí tốt chất lượng gạo cũng như đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững.
Trong tuần, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận tăng 10 USD/tấn so với tuần trước lên 360 - 370 USD/tấn vào thứ Năm (25/4), ghi nhận lần tăng đầu tiên sau 6 tuần, theo Reuters.
Một thương nhân tại TP HCM cho biết giá gạo xuất khẩu tăng vì nhu cầu cao hơn và các nhà xuất khẩu đang gấp rút mua gạo từ nông dân để thực hiện các đơn đặt hàng đã kì hồi đầu năm nay.
Ngoài ra, giá lúa, gạo cũng tăng vì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước khi nông dân bắt đầu gieo hạt cho vụ Hè Thu, theo một thương nhân khác.
Ảnh minh họa.
Về các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, theo Bộ Thương mại Campuchia, quốc gia đang thảo luận với các chuyên gia pháp lí về việc có nên nộp đơn khiếu nại chống lại quyết định áp thuế nhập khẩu đối với gạo Indica của Liên minh châu Âu (Eu) hay không.
Nếu chúng tôi tin mình có cơ hội chiến thắng, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại", người phát ngôn của Bộ, ông Seang Thay trả lời phỏng vấn Khmer Times.
Tại Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo ròng, các nhà đàm phán đang yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường gạo đặc sản như một phần của các cuộc đàm phán cho một hiệp định thương mại song phương hoàn thiện.
"Chúng tôi biết gạo là mặt hàng nhạy cảm đối với người Nhật, cũng như với chúng tôi. Chúng tôi chỉ yêu cầu một hạn ngạch nhỏ ― đủ để gạo đặc sản của chúng tôi có thể tiếp cận thị trường của họ với mức thuế thấp hơn", ông Ceferino Rodolfo, một thành viên của ủy ban Philippines trong Hiệp định đối tác kinh tế Philippines - Nhật Bản (PJEPA), cho biết.
Ông nói Philippines không có kế hoạch làm ngập thị trường Nhật Bản bằng gạo.
Bên cạnh đó, về thông tin Bờ Biển Ngà đã hủy 18.000 tấn gạo từ Myanmar sau khi các quan chức y tế tuyên bố lô gạo không phù hợp với tiêu dùng của con người, các thương nhân tại quốc gia Đông Nam Á cho rằng công ty Olam International là người phải chịu trách nhiệm.
Theo ông U Aung Soe, Thư kí thường trực của Bộ Thương mại Myanmar (MOC), số gạo từ Myanmar bị hư hại do điều kiện vận chuyển kém, bị thiệt hại do mưa.
"Hành trình dài từ Myanmar đến châu Phi cũng làm giảm chất lượng hàng hóa khi bị chính quyền Bờ Biển Ngà kiểm tra, khiến họ hủy toàn bộ lô hàng", ông nói.
Tháng 9 năm ngoái, ba công ty Myanmar đã bán hơn 20.000 tấn gạo cho Olam. Hàng hóa được Olam vận chuyển trên tàu chở hàng MV Ocean Prince đến Guinea, Tây Phi, nơi gạo được công ty phân phối lại cho các thị trường trên khắp châu Phi, theo Myanmar Times.
Giá lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 11/4 - 18/4:
Loại lúa/gạo | Giá ngày 11/4 (đồng/kg) | Giá ngày 18/4 (đồng/kg) |
Lúa tươi tại ruộng | ||
Hạt dài | 4.750 – 5.350 | 4.850 – 5.400 |
Hạt thường | 4.550 – 4.800 | 4.625 – 4.850 |
Lúa khô/ướt tại kho | ||
Hạt dài | 5.400 – 6.400 | 5.475 – 6.500 |
Hạt thường | 4.725 – 5.700 | 4.725 – 5.800 |
Gạo Nguyên liệu | ||
Lứt loại 1 | 6.675 – 7.850 | 6.675 – 7.950 |
Lứt loại 2 | 6.625 – 6.700 | 6.650 – 6.750 |
Xát trắng loại 1 | 7.750 – 9.150 | 7.600 – 9.350 |
Xát trắng loại 2 | 7.550 – 7.650 | 7.650 – 7.700 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam