Gạo đặc sản Philippines tìm kiếm cơ hội tại Nhật Bản
Ceferino Rodolfo, một thành viên của ủy ban Philippines trong Hiệp định đối tác kinh tế Philippines - Nhật Bản (PJEPA), cho biết Manila sẽ cố gắng thuyết phục Nhật Bản mở cửa thị trường cho xuất khẩu gạo đặc sản của Philippines.
Nhật Bản là một trong những thị trường gạo nghiêm ngặt nhất bảo vệ nông dân nước này, trong khi Philippines gần đây đã dỡ bỏ hạn chế định lượng đối với nhập khẩu gạo.
"Chúng tôi biết gạo là mặt hàng nhạy cảm đối với người Nhật, cũng như với chúng tôi. Chúng tôi chỉ yêu cầu một hạn ngạch nhỏ ― đủ để gạo đặc sản của chúng tôi có thể tiếp cận thị trường của họ với mức thuế thấp hơn", ông Rodolfo nói.
Ông nói Philippines không có kế hoạch làm ngập thị trường Nhật Bản bằng gạo.
"Chúng tôi thậm chí không có khả năng để khiến gạo tràn ngập bất kì thị trường nào vì chúng tôi cũng là nhà nhập khẩu ròng [gạo]", ông Rodolfo cho hay.
Ảnh minh hoạ.
Nhật Bản duy trì mức thuế 778% đối với gạo nhập khẩu ngoài kế hoạch tiếp cận tối thiểu. Gạo là một trong 5 nông sản quan trọng của Nhật Bản, cùng với lúa mì, thịt bò và thịt heo, các sản phẩm từ sữa và đường.
Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia Philippines, Ernesto Pernia cho biết nông dân nên tăng sản lượng các loại gạo đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.
Theo ông Pernia, Đạo luật Cộng hòa 11203 không chỉ thay thế các hạn chế định lượng đối với nhập khẩu gạo mà còn bãi bỏ tất cả luật, quy tắc, quy định, hướng dẫn và các văn bản khác áp hạn ngạch xuất khẩu định lượng đối với xuất khẩu gạo.
"Chúng tôi khuyến khích sản xuất các loại gạo đặc biệt, chẳng hạn như gạo truyền thống, gạo hữu cơ và gạo thơm hạt dài, để tiếp tục cạnh tranh và tăng khả năng xuất khẩu", ông Pernia cho biết trong một tuyên bố.
"Những loại gạo này có giá cao hơn, do đó mang lại thu nhập cao cho nông dân", ông Pernia nói thêm.
Tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho các nông sản chính
Hội đồng Philippines và Nhật Bản đã họp vòng đàm phán thứ ba trong Tuần Thánh, ngày 15 - 17/4, để điều chỉnh những điểm quan trọng của các cuộc thảo luận.
Ông Rodolfo cho biết Nhật Bản đổi lại có thể yêu cầu nước này giảm thuế nhập khẩu đối với xuất khẩu ô tô sang Philippines.
"Hiện tại, thuế quan ô tô của Nhật Bản là 20%. Chúng tôi cũng lường trước điều này. Chúng tôi có thể thảo luận về vấn đề này nhưng phải có một số nhượng bộ thuận lợi", ông nói.
Theo ông Rodolfo, trong khi Nhật Bản sẵn sàng đưa mọi vấn đề lên bàn đàm phán, nhưng nói rằng sẽ rất khó để làm điều đó.
Hai nước trước đó đã tổ chức các cuộc thảo luận thực chất về việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu hàng đầu của Philippines thông qua đánh giá chung về PJEPA.
PJEPA gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sự hiện diện của thể nhân, sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh và mua sắm chính phủ.
Philippines đang tiếp tục thúc đẩy mối quan tâm của mình trong việc cải thiện tiếp cận thị trường, đặc biệt là xuất khẩu nông sản chính, đàm phán lại quy tắc xuất xứ đối với một số sản phẩm và khuôn khổ để gia nhập thêm các nhóm công nhân lành nghề từ Philippines sang Nhật Bản.
Các sản phẩm được Philippines quan tâm là chuối, xoài và dứa.
Ông Rodolfo cho biết hội đồng Philippines đang hi vọng kết thúc các cuộc thảo luận về một hiệp định thương mại song phương hoàn thiện trong vòng 6 tháng tới.