Myanmar đổ lỗi cho công ty Singapore về thiệt hại của ngành gạo
"Chúng tôi sẽ thành lập một nhóm và gặp gỡ các quan chức liên quan từ Olam để xem có thể làm gì để khắc phục tình hình", ông U Aung Soe, Thư kí thường trực của Bộ Thương mại Myanmar (MOC), phát biểu tại buổi gặp mặt giữa các công ty xuất khẩu gạo địa phương và cơ quan chính phủ có liên quan tại Nay Pyi Taw trong ngày 22/4.
Olam đã không có mặt tại cuộc họp.
Tháng 9 năm ngoái, ba công ty Myanmar đã bán hơn 20.000 tấn gạo cho Olam. Hàng hóa được Olam vận chuyển trên tàu chở hàng MV Ocean Prince đến Guinea, Tây Phi, nơi gạo được công ty phân phối lại cho các thị trường trên khắp châu Phi, theo Myanmar Times.
Ngày 17/4, các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rằng Bờ Biển Ngà đã hủy 18.000 tấn gạo từ Myanmar sau khi các quan chức y tế tuyên bố lô gạo không phù hợp với tiêu dùng của con người.
Theo ông U Aung Soe, số gạo từ Myanmar bị hư hại do điều kiện vận chuyển kém, bị thiệt hại do mưa. "Hành trình dài từ Myanmar đến châu Phi cũng làm giảm chất lượng hàng hóa khi bị chính quyền Bờ Biển Ngà kiểm tra, khiến họ hủy toàn bộ lô hàng", ông nói.
Các quan chức MOC lo ngại thiệt hại gây ra cho danh tiếng của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo trong tương lai.
"Năm 2018, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu các loại đậu của Ấn Độ. Bây giờ, chúng ta có thể phải đối mặt với vấn đề xuất khẩu gạo. Chúng tôi cần xem lại các chính sách và thủ tục xuất khẩu gạo của mình để ngăn chặn điều này xảy ra", ông U Aung Htoo, Thứ trưởng MOC, cho biết.
"Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang nhận được đơn đặt hàng gạo Myanmar chất lượng cao từ châu Phi và châu Âu", ông U Aung Soe nói.