Ban lãnh đạo chủ sở hữu chuỗi Gogi, Manwah, Vuvuzela,... nhận thù lao bao nhiêu trong năm 2022?
Vừa qua, CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã công bố báo cáo thường niên năm 2022. Theo đó, Golden Gate đánh giá năm 2022 ghi dấu sự phục hồi của doanh nghiệp từ dịch COVID-19.
Trong năm qua, Golden Gate đạt tổng doanh thu thuần 6.965 tỷ đồng, tăng trưởng 110% so với năm 2021. Lãi sau thuế công ty cũng lội ngược dòng từ lỗ lên lãi 658 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này đã hoàn thành mọi mục tiêu về kế hoạch kinh doanh cả năm của công ty.
Golden Gate nhận định rằng sự phục hồi này tới từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, là do các thương hiệu trụ cột của Golden Gate như Gogi, Manwah, Kichi Kichi, Isushi đã quay trở lại hoạt động ổn định với biên lợi nhuận cao. Những thương hiệu lớn khác của Golden Gate như Shogun, Kpub,… cũng được đón nhận nhiệt tình.
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh, Golden Gate đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng thời gian này để thực hiện những dự án đã ấp ủ từ lâu. Trong đó, Golden Gate đã tập trung nghiên cứu tối ưu vận hành về mặt chi phí và công sức, thực hiện chuyển đổi số trên quy mô toàn công ty và nghiên cứu, giới thiệu các nhãn hàng mới.
Dựa trên những kết quả đó, năm qua, ban lãnh đạo Golden Gate đã nhận tổng thù lao hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Việt Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Golden Gate, nhận thù lao hơn 102 triệu đồng trong năm qua. Ông Đào Thế Vinh – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Golden Gate nhận thù lao hơn 2,4 tỷ đồng, trong khi ông Nguyễn Xuân Tường – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Golden Gate cũng nhận hơn 491 triệu đồng.
Báo cáo của Golden Gate cũng có phần kế hoạch phát triển trong tương lai. Theo đó, về mặt sản phẩm, công ty sẽ tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới nhà hàng lẩu, nướng, tăng cường độ phủ các thương hiệu quen thuộc như Gogi, Manwah, Kichi Kichi,…
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đầu tư theo chiều sâu, không ngừng sáng tạo để qua đó đem tới không gian trải nghiệm mới mẻ hơn cho khách hàng, đa dạng hóa thực đơn tại các chuỗi nhà hàng.
Ngoài các thương hiệu lớn, Golden Gate cũng sẽ tiếp tục ra mắt các thương hiệu mới với những phong cách khác nhau để luôn cập nhật với nhu cầu và xu hướng ăn uống của khách hàng. Công ty sẽ tiếp tục thử sức trong những lĩnh vực mới như cung cấp suất ăn bệnh viện, lĩnh vực đồ uống,…
Về mặt vận hành, Golden Gate tiếp tục chú trọng xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp nhằm quản lý một cách toàn diện và đồng bộ kinh doanh, vận hành và đầu tư.
Công ty cũng sẽ không ngừng áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu về năng lực hoạt động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Golden Gate dự kiến áp dụng ứng dụng số xuyên suốt quá trình trải nghiệm khách hàng, từ việc gọi đồ ăn, thanh toán, đánh giá dịch vụ,… nhằm mang lại sự tiện lợi tối đa.
Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những chương trình trọng điểm của công ty. Tính tới ngày 31/12/2022, tổng số lượng cán bộ, nhân viên của Golden Gate là 19.800 người.
Được thành lập từ năm 2005, Golden Gate được xem là môt trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam với các phong cách ẩm thực như lẩu, nước, đồ Á, đồ Âu và cà phê.
Tính đến tháng 12/2022, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại trên dưới 40 tỉnh, thành. Golden Gate phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách mỗi năm. Theo thông tin tự công bố, Golden Gate ghi nhận doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm trong năm 2019 và 2020.
Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ sinh thái của Golden Gate có thể kể tới như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma; hay bia tươi Vuvuzela…