Chủ sở hữu chuỗi Gogi, Vuvuzela... đạt lãi sau thuế gần gấp đôi kế hoạch đề ra trong năm 2022
Vừa qua, CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần trong năm tài chính 2022 đạt mức 6.965 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp doanh nghiệp đạt mức 4.314 tỷ đồng, tăng khoảng 124% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014.
Trong năm tài chính vừa qua, Golden Gate ghi nhận chi phí bán hàng ở mức 3.118 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với năm trước. Trừ đi tất cả chi phí, Golden Gate ghi nhận lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt là 719 tỷ đồng và 658 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Golden Gate ghi nhận lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng.
Năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng 107,3% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng sau khi ghi nhận một năm thua lỗ nặng nề.
Như vậy, với kết quả đạt được, Golden Gate đã vượt kế hoạch về cả doanh thu thuần và lãi sau thuế đề ra cho năm 2022. Trong đó, riêng khoản lãi sau thuế thực hiện đã vượt gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Đồng thời, đây đều là những con số cao nhất trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Golden Gate đạt mức 2.943 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là hơn 204 tỷ đồng, giảm 41% so với thời điểm đầu năm và chiếm khoảng 7% tổng tài sản.
Nợ phải trả của Golden Gate ở thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.588 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, Golden Gate đã giảm gần hết khoản vay nợ dài hạn, từ mức 546 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 65 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Golden Gate đạt mức 1.354 tỷ đồng, tăng hơn 81% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.390 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm trên, công ty có 8 công ty con với số lượng nhân viên là 19.800 người, tăng hơn 3.000 nhân viên so với thời điểm ngày 31/12/2021.
Vừa qua, Golden Gate cũng đã ra quyết nghị chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của công ty. Các chi nhánh này hoạt động ở cả ba miền từ Bắc - Trung - Nam với một số địa phương đáng chú ý như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương... Đa phần các chi nhánh bị chấm dứt hoạt động đều có vị trí tại những TTTM nổi tiếng của địa phương.
Hội đồng quản trị Golden Gate giao và ủy quyền cho chủ tịch công ty quyết định thời gian cụ thể triển khai việc chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh. Đồng thời thực hiện thông báo chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh tới cơ quan quản lý địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Golden Gate, việc đóng cửa chi nhánh là hoạt động tái cấu trúc nội bộ, không ảnh hưởng tới các cửa hàng do công ty quản lý. "Theo quy định mới, công ty không cần thiết phải lập chi nhánh tại địa phương nên chúng tôi thực hiện chấm dứt hoạt động của các chi nhánh để giảm bớt thủ tục hành chính, đưa tất cả cửa hàng về dưới sự quản lý của trụ sở chính", bà Hoàng Thu Hương, đại diện Golden Gate nói.
Bà Hương xác nhận thông tin công ty sẽ chia thành hai chi nhánh là miền Bắc và Nam, thực hiện quản lý cửa hàng tại từng khu vực. "Việc đóng cửa chi nhánh không ảnh hưởng tới hoạt động của các cửa hàng tại từng địa phương", bà Hương nói thêm.
Được thành lập từ năm 2005, Golden Gate được xem là môt trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam với các phong cách ẩm thực như lẩu, nước, đồ Á, đồ Âu và cà phê.
Tính đến tháng 12/2022, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại trên dưới 40 tỉnh, thành. Golden Gate phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách mỗi năm. Theo thông tin tự công bố, Golden Gate ghi nhận doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm trong năm 2019 và 2020.
Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ sinh thái của Golden Gate có thể kể tới như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma; hay bia tươi Vuvuzela…