Bán bún bò, hủ tiếu cũng có thể thành chủ tập đoàn 'khủng'
Đó là nhận định của diễn giả Francis Hùng, chuyên gia đào tạo doanh nghiệp, nhà tư vấn chiến lược kinh doanh. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Mỹ công nhận là một trong những nhân tài giỏi nhất về diễn thuyết. Đây là một trong những quy chế danh giá được Mỹ cấp cho những cá nhân xuất sắc cũng như giải Nobel, giải Oscar hay giải Pulitzer…
Diễn giả Francis Hùng đã trở lại Việt Nam nhằm phối hợp với một đơn vị để hỗ trợ cho những người kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ.
Diễn giả Francis Hùng, người Việt Nam đầu tiên được Mỹ công nhận là một trong những nhân tài giỏi nhất về diễn thuyết |
Ông Francis Hùng cho biết, những người kinh doanh nhỏ lẻ đang hằng ngày nuôi nấng con cái, gia đình bằng những quán ăn, cửa hàng nhỏ nhưng lại đóng góp rất lớn cho GDP hằng năm.
Cộng đồng kinh doanh nhỏ lẻ tại Việt Nam không có thói quen nhờ người tư vấn. Người Việt thường thành lập một doanh nghiệp và tìm nhiều cách để “né” thuế. Nhưng người kinh doanh cần hiểu rằng, số tiền đóng thuế đó lại thể hiện được giá trị doanh nghiệp của họ.
Theo quy định, hộ kinh doanh cá thể là hộ kinh doanh chỉ có dưới 10 lao động nhưng hiện nay có nhiều hộ kinh doanh cá thể có đến hàng trăm lao động nhưng họ chỉ nộp thuế khoán. Họ không được hỗ trợ nhiều về vốn, công nghệ, chính sách và kỹ năng kinh doanh nhưng họ vẫn nuôi sống một lượng lao động rất lớn.
Ông Francis Hùng chia sẻ, ở nước ngoài, nhiều tập đoàn lớn có xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể. Họ xuất phát từ những hộ kinh doanh gia đình rồi dần dần học hỏi, phát triển và trở thành những tập đoàn hùng mạnh.
PV Dân trí có đặt cho diễn giả hàng đầu tại Mỹ một câu hỏi là “Nếu bây giờ ông đứng trước một người bán bún bò và nhờ ông cho họ những lời khuyên cơ bản nhất thì ông sẽ nói gì với họ?”.
“Tôi sẽ hỏi họ rằng, một ngày họ bán được bao nhiêu tô? Họ có thể trả lời là 300 tô/ngày. Tôi hỏi tiếp, thế có muốn bán 1.800 tô/ngày không. Nếu họ nói có thì tôi sẽ hỏi là họ đã có cách nào để để bán được 1.800 tô/ngày chưa. Tôi nghĩ, họ sẽ nói chưa và tôi sẽ vạch ra các bước cụ thể để họ có thể bán được 1.800 tô/ngày”, Francis Hùng nói.
Người dân chưa có giải pháp cho việc kinh doanh của mình là do họ không được đào tạo kỹ năng quản lý và nhiều yếu tố khác.
Chính vì vậy, ông Francis Hùng sẽ cùng các cộng sự của mình xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể. Diễn giả và các cộng sự sẽ có những bước khảo sát nhu cầu của người dân xem họ có muốn phát triển công việc của gia đình mình lên hay không, xem họ có nguyện vọng, mong muốn như thế nào và gặp khó khăn gì trong kinh doanh.
Francis Hùng đã trực tiếp diễn thuyết, đào tạo, tư vấn cho trên 1.000 doanh nghiệp |
Sau đó, sẽ có 4 chương trình để ông Francis Hùng diễn thuyết với cộng đồng kinh doanh cá thể. Những người đang kinh doanh sẽ được chia sẻ việc làm cách nào để vươn tầm xa hơn cho hộ kinh doanh của mình và phát triển nó mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi mong muốn người kinh doanh nghèo có thể phát triển thành người kinh doanh khá, người kinh doanh giàu và thậm chí có thể thành những tập đoàn. Cái bánh chưng hay tô mì Quảng đều có thể tiếp cận các thị trường quốc tế nếu người kinh doanh được hỗ trợ tốt. Tại sao người dân nước khác có thể mang sushi, kimbap đi khắp thế giới mà chúng ta lại không”, ông Francis Hùng nói.
Diễn Giả Francis Hùng tên đầy đủ là Vương Hữu Hùng, tốt nghiệp ngành luật tại Việt Nam vào năm 1999. Ông được tập đoàn khách sạn Marriott hàng đầu của Mỹ nhận vào làm việc tại khách sạn 5 sao Renaissance Riverside Hotel Sài Gòn tại TPHCM. Khởi nghiệp với vị trí nhân viên lễ tân, Francis Hùng thăng chức 9 lần qua 3 tập đoàn hàng đầu thế giới: Marriott (Mỹ), Princess D' Annam (Pháp) và Ascott International (Singapore).
Francis Hùng đã trực tiếp diễn thuyết, đào tạo, tư vấn cho trên 1.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là những tập đoàn đa quốc gia như: Mercedes Benz, Lexus – Toyota, Sony, Acer, Intel, Western Union, Vingroup, Novaland, British Council, Vietinbank, Shinhanbank... với những ý tưởng, kỹ năng kinh doanh đầy sáng tạo.