|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bám trụ ghế CEO bằng cách giữ chặt con dấu, ông chủ muốn sa thải cũng không được

10:47 | 04/01/2023
Chia sẻ
Vụ việc của Arm China cho thấy truyền thống sử dụng con dấu doanh nghiệp tại Trung Quốc có thể đặt ra thách thức lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Arm China là liên doanh giữa nhà thiết kế chip bán dẫn Arm, được sở hữu bởi Softbank của Nhật Bản và một công ty đầu tư Trung Quốc có tên gọi Hopu. 

Ông Allen Wu là CEO của Arm China khi liên doanh này được thành lập vào năm 2018. Vào tháng 6/2020, sau các cuộc điều tra về xung đột lợi ích, Softbank quyết định sa thải ông Wu. 

Ông Allen Wu, cựu CEO của Arm China. (Ảnh: Financial Times).

Tuy vậy, ông Wu phản đối yêu cầu sa thải của hội đồng quản trị, và từ chối chuyển giao giấy phép kinh doanh cũng như con dấu. Nếu không có con dấu trong tay, Arm China sẽ không thể chính thức thông qua yêu cầu sa thải ông Wu. 

Lịch sử con dấu

Những con dấu của Trung Quốc có lịch sử từ thời Nhà Thương, năm 1600 trước Công Nguyên. Kể từ thời Xuân Thu, con dấu đã có vai trò tương tự như chữ ký. 

Người dân Trung Quốc có những con dấu cá nhân, sử dụng để đóng vào thư hoặc tác phẩm nghệ thuật. Con dấu cũng có thể đại diện cho thẩm quyền của một công ty, cơ quan chính phủ hoặc thậm chí cả một quốc gia. 

Theo China Daily, Ngọc tỷ truyền quốc hiện đã biến mất vào khoản 1.000 năm trước. (Ảnh: China Daily).

Ngọc tỷ truyền quốc, được làm từ ngọc bích, đã được tạo ra khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, và được truyền từ đời này qua đời khác. Con dấu tượng trưng cho “mệnh trời”, được sử dụng trong các chỉ dụ của hoàng đế Trung Quốc.

Ngày nay, dù Trung Quốc đã không còn hoàng đế, nhưng con dấu vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh. Khi một công ty được thành lập, một con dấu cũng sẽ được tạo ra, và mang tính đại diện pháp lý cho công ty đó.

Con dấu phải được đăng ký tại cơ quan công an địa phương. Mỗi công ty thường chỉ có duy nhất một con dấu. Bởi vậy, nếu muốn ký một hợp đồng, thuê một nhân viên hay sa thải giám đốc, ban lãnh đạo công ty sẽ cần đến con dấu duy nhất này.

Theo PC Gamer, để sa thải ông Allen Wu, Arm China sẽ cần đến con dấu, vốn nằm trong tay vị CEO này. Ông Wu không muốn bị sa thải, và thậm chí còn cố gắng cho thôi việc giám đốc thay thế được hội đồng quản trị chỉ định.

Ông Wu cũng đã thành lập đội bảo vệ của riêng mình để ngăn không cho đại diện của Arm và Hopu vào văn phòng. Thậm chí, Arm China còn định tuyên bố độc lập khỏi Arm. Trong suốt hai năm, hội đồng quản trị đã không thể thể sa thải CEO. 

Rắc rối vì con dấu

Theo Financial Times, quá trình giải quyết tranh chấp về con dấu của công ty có thể dài và gian nan. Các nhà quản lý có thể nhờ đến cảnh sát với hi vọng rằng cơ quan hành pháp sẽ cưỡng chế thu hồi con dấu.

Tuy nhiên, cảnh sát Trung Quốc không muốn nhúng tay vào những vụ tranh chấp của doanh nghiệp, và thường từ chối những vụ án kiểu này.

Một lựa chọn khác sẽ là cố gắng đăng ký lại doanh nghiệp qua Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ mất nhiều tháng. Nếu thành công, con dấu mới sẽ được ban hành, và con dấu cũ mất hiệu lực.

Arm đã tìm đến cảnh sát Thẩm Quyến để đăng ký một con dấu mới. Nhưng để được phê duyệt, công ty cần xuất trình giấy phép kinh doanh. Và như đã nói ở trên, ông Wu đang cầm cả giấy phép kinh doanh, lẫn con dấu của Arm China.

“Hệ thống này làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài,” một luật sư có liên hệ chặt chẽ với Arm China cho biết. “Công ty có quyền loại bỏ [ông Wu] bằng quyết định của đa số trong hội đồng quản trị . . . Con dấu phải là tài sản của công ty chứ không phải của người đại diện theo pháp luật”.

“[Ông Wu] biết rằng cuối cùng ông ấy sẽ bị cách chức. Nhưng đây là vũ khí của ông ấy để có được một thỏa thuận thôi việc tốt hơn”, luật sư này nói thêm 

Ông Riccardo Benussi, Phó Giám đốc khu vực của công ty luật Dezan Shira, nói : “Chúng tôi gọi đây là hành vi chiếm quyền điều khiển công ty”. Ông cho biết câu chuyện về con dấu tại Trung Quốc có một số điểm tương đồng với châu Âu và Mỹ, trong đó, một nhân viên có thể nắm quá nhiều quyền tại một doanh nghiệp.

Vụ việc Arm China là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với các tập đoàn nước ngoài về những thách thức đặc biệt khi điều hành các liên doanh ở Trung Quốc.

Vào năm 2008, TPG, một tập đoàn đầu tư của Mỹ, đã mua phần lớn cổ phần của công ty Nissin Leasing tại Trung Quốc. TPG đã cố gắng loại bỏ giám đốc của công ty này, và đưa một người thân cận lên.

Khi giám đốc không chịu bị sa thải, một giám đốc khác do TPG chỉ định đã xuất hiện tại văn phòng Thượng Hải, cùng với 7 nhân viên bảo vệ để tìm kiếm con dấu và các chứng từ.

Tuy nhiên, giám đốc do TPG chỉ định đã phải chạy khỏi Trung Quốc sau khi phía Nissin Leasing gọi cảnh sát, gây ra một vụ kiện tụng kéo dài hàng tháng. TPG cuối cùng đã thoái vốn khỏi Nissin Leasing vào năm 2013.

Cuộc chiến ngã ngũ

Cuộc chiến kéo dài hai năm dường như đã kết thúc vào cuối tháng 4/2022. Arm, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, đã thay thế thành công ông Wu bằng hai CEO là Liu Renchen và Eric Chen. Có vẻ công ty đã chọn ra tới hai CEO để giảm rủi ro.

Chính quyền Thâm Quyến cũng đã chấp nhận ông Liu là đại diện hợp pháp của công ty. Quyết định này đồng nghĩa với việc, khác với lần đầu tiên khi Arm cố gắng sa thải ông Wu, một công ty mới sẽ được thành lập, và ông Wu sẽ không còn có thể ngăn chặn quyết định của hội đồng quản trị một cách hợp pháp (bằng con dấu công ty).

"Arm China đang trong quá trình giải quyết vấn đề quản trị doanh nghiệp lâu dài của mình và Hội đồng quản trị đã bỏ phiếu nhất trí bổ nhiệm Liu Renchen và Eric Chen làm đồng CEO của Arm China", công ty cho biết trong một thông cáo.

"Ông Liu cũng đã được chính quyền địa phương Thâm Quyến đăng ký và chấp nhận với tư cách là đại diện pháp lý và tổng giám đốc của công ty."

Cơ quan Quản lý Thị trường Thâm Quyến cũng đã cập nhật giấy phép đăng ký kinh doanh, thể hiện rằng ông Liu là đại diện pháp lý mới của Arm China. Việc loại bỏ ông Wu dường như đã hoàn tất.

 

Trong hai năm đầy biến động của liên doanh này, Nvidia đã cố gắng mua Arm từ Softbank nhưng thất bại. Vụ việc của Arm China có thể là một trong những nguyên nhân khiến thương vụ trị giá 40 tỷ USD này đổ bể. Hiện Softbank đang tìm cách đưa Arm ra công chúng, với một đợt IPO có thể sẽ được tung ra tại Mỹ trong tương lai gần. 

Trên trang Linkedin của mình, ông Allen Wu vẫn tiếp tục để thông tin là "Nhà sáng lập, CEO của Arm China". 

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.