|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bài toán chất lượng hàng hoá trước thềm nâng hạng thị trường chứng khoán

08:07 | 26/10/2024
Chia sẻ
Đi cùng với kỳ vọng về dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán khi được nâng hạng thì nội tại thị trường vẫn còn nhiều bài toán cần giải quyết đặc biệt là câu chuyện chất và lượng hàng hoá trên sàn.

Ngày 18/9, Bộ Tài chính đã phê duyệt Thông tư 68/2024/TT-BTC, cho phép giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024.

Đây được coi là bước tiến quan trọng, tạo tiền đề để FTSE xem xét nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Nhiều tổ chức dự báo việc nâng hạng có thể giúp thị trường đón nhận thêm dòng vốn hàng tỷ USD.

Đi kèm với kỳ vọng là những thách thức của Việt Nam trước thềm nâng hạng, đặc biệt là câu chuyện chất lượng hàng hoá sau khi thị trường được nâng hạng. 

Thiếu vắng hàng hoá "chất"

Vài năm gần đây, tiến trình cổ phần hoá “giậm chân tại chỗ", thậm chí năm 2023 cả nước không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt. 8 tháng năm 2024, chỉ thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị thu về chưa tới 160 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thị trường cũng rơi vào giai đoạn “ngủ đông" khi thiếu vắng các thương vụ IPO quy mô vừa và lớn, doanh nghiệp cũng dè dặt niêm yết trên sàn, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và thị trường trải qua nhiều biến cố với các đại án làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư.

Ngoài ra, với vai trò là kênh thu hút vốn nhưng sự bùng nổ và việc huy động vốn dễ dàng qua kênh trái phiếu giai đoạn trước cũng là lực cản khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà lên sàn.

Theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính tới cuối quý III, có 1.589 doanh nghiệp trên sàn (giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2023) bao gồm 394 đơn vị niêm yết HOSE, 311 doanh nghiệp niêm yết HNX và 884 công ty giao dịch trên UPCoM.

Trong đó chỉ có 100 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 10.000 tỷ ở ba sàn. Hơn 580 doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng/cp, trên 240 đơn vị có giá cổ phiếu dưới 5.000 đồng/cp.

Lượng hàng hoá được bổ sung trên sàn đã ít ỏi song "chất" của hàng hoá càng đáng lưu tâm hơn. Đặc biệt sau khi các đại án được phanh phui đã đặt một dấu hỏi rất lớn về tính độc lập của các đơn vị kiểm toán hàng đầu thị trường.

Báo cáo tài chính được coi là bức tranh phản ánh tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp niêm yết, làm căn cứ cho nhà đầu tư đánh giá, định giá cổ phiếu. Khi các con số tài chính thiếu độ tin cậy sẽ là rào cản khiến nhà đầu tư khó đưa ra quyết định, dè dặt rót tiền vào thị trường.

Việc nâng chuẩn báo cáo tài chính lên Chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), phù hợp với thông lệ quốc tế được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp niêm yết có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với thị trường vốn quốc tế và các nhà đầu tư tiềm năng.

Song việc áp dụng IFRS được đánh giá khó có thể làm giảm gian lận báo cáo tài chính. Chất lượng báo cáo kiểm toán còn phụ thuộc vào sự độc lập và trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Bên cạnh chất lượng báo cáo tài chính thì sự minh bạch và sự tuân thủ trong công bố thông tin của doanh nghiệp trên sàn cũng còn nhiều bất cập. Việc doanh nghiệp niêm yết né tránh hoặc thậm chí trốn công bố các thông tin quan trọng diễn ra thường xuyên khi chế tài xử phạt vẫn chưa có tính răn đe và chỉ mang tính "hình thức".

Ngoài giải quyết bài toán pre-funding thì Thông tư 68 của Bộ Tài chính cũng đưa ra lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các doanh nghiệp niêm yết.

Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn buộc phải công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ đầu năm 2025. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin về doanh nghiệp trong nước một cách dễ dàng.

Sau khi giải quyết bài toán kỹ thuật thì câu chuyện chất lượng hàng hoá cũng là một sự lưu tâm với các cơ quan quản lý để thị trường chứng khoán phát triển một cách bền vững.

Để bàn luận sâu hơn về giải pháp tăng chất và lượng cho hàng hoá trên sàn chứng khoán dưới góc nhìn của các chuyên gia, các nhà làm chính sách, nhà đầu tư có thể tham dự Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 tổ chức vào ngày 8/11 tới đây tại TP HCM.

Sự kiện cũng sẽ thảo luận sâu hơn câu chuyện bối cảnh thị trường và những bất cập cần giải quyết trước thềm Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán.

Hoàng Kiều