|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nóng chuyện kiểm toán

13:07 | 19/09/2024
Chia sẻ
Thị trường gần đây lại nóng lên câu chuyện chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn khi loạt kiểm toán viên bị đình chỉ giao dịch, có doanh nghiệp không thể tìm được đơn vị kiểm toán. Cùng với đó là tính minh bạch, trung thực của chính doanh nghiệp trong các con số.

Sau các đại án ở Vạn Thịnh Phát, SCB, Tân Hoàng Minh hay FLC đều cho thấy hầu hết sai phạm đều đến từ việc các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư bị qua mặt trên những con số ở báo cáo tài chính, nơi mà các nhà đầu tư khó lòng có đủ thông tin để kiểm chứng.

Ở đó, họ tin rằng các công ty kiểm toán lớn sẽ giúp họ hạn chế phần nào rủi ro khi đây được coi là bộ lọc của thị trường tài chính.

Tính minh bạch của các công ty kiểm toán, kiểm toán viên thậm chí ở ngay cả nhóm Big4 được đặt một dấu hỏi lớn và phần nào đã làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Còn ở thời điểm hiện tại, hoạt động kiểm toán doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Kiểm toán viên bị đình chỉ 

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có công văn gửi CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (Mã: DAG) liên quan tới báo cáo tài chính năm 2023 do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY kiểm toán. 

UBCKNN cho biết theo kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2024 tại UHY cho thấy báo cáo kiểm toán 2023 của Nhựa Đông Á có ý kiến kiểm toán chưa phù hợp chuẩn mực kiểm toán (VAS) số 700, VAS 705, VAS 706. UBCKNN thông tin sẽ đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán năm 2023 của Nhựa Đông Á.

Cùng lúc, UBCKNN cũng có thông báo tới CTCP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hoá (Mã: AAT) rằng hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của AAT không đạt yêu cầu do kiểm toán viên chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán.

Đồng thời, UBCKNN sẽ đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán 2023 của AAT.

DAG và AAT là hai doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Trong đó, AAT đang thuộc diện hạn chế giao dịch còn DAG thuộc diện bị đình chỉ giao dịch.

Theo báo cáo minh bạch của Công ty kiểm toán UHY là đơn vị kiểm toán cho nhiều doanh nghiệp trên sàn như: Tập đoàn FLC (Mã: FLC), CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI), CTCP Chứng khoán BOS (Mã: BOS), Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (Mã: SJG), CTCP Sông Đà 1.01 (Mã: SJC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Mã: MVN), CTCP Vạn Phát Hưng (Mã: VPH),...

Liên quan tới FLC, hiện đơn vị này vẫn chưa chưa thể công bố báo cáo kiểm toán năm 2021 do tập đoàn và Công ty Kiểm toán UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.

Dẫn tới các báo cáo kiểm toán năm 2022, 2023 cùng báo cáo kiểm toán bán niên các năm 2022, 2023, 2024 cùng các quý ở các năm này vẫn chưa thể phát hành.

Cuối tháng 6, liên quan tới sai phạm tại đại án SCB, UBCKNN đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, với 4 kiểm toán viên Deloitte Việt Nam. 

Các kiểm toán viên này sẽ không được ký báo cáo kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán trong 6 tháng. Deloitte là một trong ba hãng kiểm toán đã kiểm toán cho SCB ngoài EY và KPMG.

Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch do không tìm được đơn vị kiểm toán

Liên quan tới hệ quả của việc kiểm toán báo cáo tài chính, HOSE vừa công bố hơn 938 triệu cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bị rơi vào diện đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

ITA đã có hành trình dài chật vật tìm đơn vị kiểm toán khi bị hàng chục đơn vị kiểm toán từ chối. 

Năm ngoái, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) bất ngờ từ chối kiểm toán cho ITA sau nhiều năm gắn bó, ITA buộc phải đổi sang Công ty TNHH DV Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS).

Song chỉ chưa đầy nửa năm AASCS cũng bất ngờ xin rút lui với lý do hai kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cho báo cáo năm 2022 và bán niên năm 2023 đã bị UBCKNN tước giấy phép hành nghề trong 2 năm.

ITA thông tin dù đã liên hệ với 30 công ty kiểm toán được chấp thuận trên thị trường, nhưng các công ty này đều lo sợ khi các công ty kiểm toán cho ITA đều bị tước giấy phép hành nghề như hai cá nhân tại AASCS. Công ty cũng cho biết, trước đó, kiểm toán viên cho ITA tại E&Y cũng bị tước giấy phép hành nghề.

Phía ITA cũng đã nhiều lần gửi văn bản giải trình thông tin liên quan tới việc chậm công bố các báo cáo kiểm toán tới HOSE và mong muốn HOSE không đình chỉ giao dịch hoặc huỷ niêm yết với cổ phiếu với “lý do bất khả kháng" nêu trên.

Chính doanh nghiệp liệu có đủ minh bạch?

Thực tế, bên cạnh những tiêu cực từ góc độ của đơn vị kiểm toán thì có thể thấy nếu không có sự bắt tay, thiếu trung thực của chính doanh nghiệp thì đơn vị kiểm toán khó lòng thiếu minh bạch trong các con số. 

Ngay trong mùa soát xét bán niên 2024, hàng chục doanh nghiệp bị phía đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến như TAR, NOS, PVX, CAD, PXS, VKC, FTM,...

Phía CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) bị kiểm toán AASCS từ chối đưa ra kết luận do công ty đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của UBCKNN ngày 13/9/2023 bao gồm: Chủ sở hữu của 15 triệu cố phiếu TAR trong đợt chào bán cố phiếu riêng lẻ của công ty; Việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; Thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán với giá trị 1.255,5 tỷ đồng.

Do đó, đơn vị kiểm toán không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này đến các báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của TAR.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trên sàn cũng chuyển từ lãi sang lỗ (TTF, SGR, NRC,...) hay lỗ tăng thêm hàng chục và trăm tỷ sau soát xét bán niên (LDG, VNZ, DFF,...).

Hay mới đây nhất, CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đã bị kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đưa ra ý kiến ngoại trừ với hai khoản mục chiếm phần lớn tài sản của công ty liên quan tới số tiền mặt tồn quỹ trung bình trong 6 tháng đầu năm của CSI (121 tỷ đồng) cùng khoản tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hơn 32 tỷ.

Phía kiểm toán không nhận được các giải trình hợp lý về việc duy trì số dư tiền mặt lớn và cũng không thu thập được đầy đủ các tài liệu để xác định giá trị hợp lý khoản đầu tư trên của CSI.

Đề xuất tăng xử phạt các vi phạm của đơn vị kiểm toán

Sau các sai phạm của các đơn vị kiểm toán gần đây, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập (có hiệu lực từ 1/1/2012).

Liên quan tới mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, theo Bộ, mức xử phạt chưa đủ tính răn đethời hiệu xử phạt không phù hợp. “Các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn”, Bộ Tài chính nêu thực trạng.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập tại dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán). 

Theo đó, dự thảo sửa đổi và bổ sung các quy định về: thời hiệu xử phạt từ 1 năm lên 10 năm; quy định về mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng (đối với tổ chức) và từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân).

Bên cạnh đó là bổ sung thêm một số hình thức xử phạt cho phù hợp với thực tế hiện nay và các quy định liên quan.

Ngoài ra, Dự thảo đề xuất thêm hai chính sách. Thứ nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập. Thứ hai là chính sách về tăng cường tính trung thực và minh bạch của các thông tin được kiểm toán.

Góp ý về dự thảo này, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết các doanh nghiệp kiểm toán (VAE, AASCS, Tri Thức Việt, A&C, An Việt, Chuẩn Việt, CAF) đánh giá mức phạt 3 tỷ đồng trên là quá cao so với đặc điểm hoạt động của kiểm toán (vốn góp, phí dịch vụ kiểm toán).

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, các kiểm toán viên hành nghề do doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp kiểm toán phân công. Do đó, họ cho rằng cần làm rõ các hành vi vi phạm dẫn tới cá nhân bị phạt tiền. Cùng đó, mức phạt 1,5 tỷ đồng cũng rất cao với cá nhân kiểm toán viên, do đó, các doanh nghiệp này lo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sự gắn bó nghề nghiệp của họ.

Về thời hiệu xử phạt, các doanh nghiệp cho rằng 10 năm là quá dài so với một số lĩnh vực khác, ví dụ như thuế chỉ quy định 5 năm từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, VACPA đề nghị làm rõ cơ sở, những hành vi vi phạm kiểm toán độc lập có thời hiệu xử lý như đề xuất của Bộ Tài chính.

Hoàng Kiều