|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gần 16.000 tỷ đồng bị rút khỏi ETF nội: Cách nào để huy động trở lại?

08:45 | 23/10/2024
Chia sẻ
Không chỉ tạo áp lực bán trên thị trường cổ phiếu, việc nhà đầu tư ngoại còn rút vốn khỏi Việt Nam thông qua các ETF nội.

Trong một thời gian dài, các nhà quản lý ETF nội tập trung khai thác tập khách hàng ngoại, chủ yếu đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ETF nội thường duy trì trên ngưỡng 90% và tỷ lệ tập trung cao tại Top 10 nhà đầu tư nắm giữ nhiều nhất.

Qua nghiên cứu các quỹ hoạt động tại Thái Lan cho thấy, các quỹ mở tại quốc gia này lựa chọn phân bổ một phần vốn vào Việt Nam thông qua việc mua và nắm giữ các ETF nội. Đây cũng được xem như một giải pháp để giải bài toán giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Nhà đầu tư ngoại mua và nắm giữ nhóm cổ phiếu hết “room” thông qua ETF mô phỏng rổ VN Diamond và VNFin Lead. Điều này giải thích vì sao các ETF đã huy động được một lượng vốn lớn trong giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư ngoại rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam, các ETF nội cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong 9 tháng đầu năm nay, các ETF nội chứng kiến đợt rút quỹ mạnh nhất kể từ khi hoạt động.

Dữ liệu thống kê của người viết cho thấy tổng giá trị rút quỹ tại 16 ETF nội trong 9 tháng đầu năm nay là 15.822 tỷ đồng trong khi lượng vốn huy động được là 4.493 tỷ đồng, tương đương giá trị rút ròng là 11.329 tỷ đồng.

 

Chi tiết theo từng quỹ, hai tổ chức thuộc quản lý của Dragon Capital Việt Nam là DCVFMVN Diamond và DCVFMVN30 bị rút quỹ lần lượt 10.531 tỷ đồng và 2.715 tỷ đồng, trong khi giá trị huy động chỉ đạt 1.763,3 tỷ đồng và 921 tỷ đồng.

Một ETF thành viên khác trong nhóm này là DCVFMVNMIDCAP không bị rút quỹ nhưng lượng vốn huy động cũng khá khiêm tốn, chỉ với 129,3 tỷ đồng trong 3 quý vừa qua.

Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi DCVFMVN Diamond ETF bất chấp việc rổ chỉ số này có hiệu suất vượt trội so với thị trường chung kể từ đầu năm. Tính đến ngày 30/9, tỷ suất lợi nhuận của quỹ đạt hơn 30%, gấp hơn 2 lần mức tăng của VN-Index.

Nhưng nếu xét về tỷ lệ rút quỹ, SSIAM VNFin Lead ETF là tổ chức bị rút vốn mạnh nhất trong 9 tháng, nối tiếp xu hướng của năm 2023. Theo thống kê, ETF nội này bị rút quỹ 2.416 tỷ đồng trong khi huy động vốn được hơn 440 tỷ đồng, tương đương quy mô rút ròng gần 2.000 tỷ.

Sau đợt bị rút quỹ mạnh, quy mô của SSIAM VNFin Lead ETF giảm xuống vị trí thứ 4 trong nhóm 16 ETF nội đang hoạt động trên thị trường.

Ngoài những cái tên kể trên, 3 quỹ bị rút quỹ nhẹ với quy mô vài chục tỷ đồng trong giai đoạn qua như SSIAM VNX50 ETF, KIM Growth VNFINSELECT ETF, MAFM VN30 ETF.

Ở chiều ngược lại, ánh sáng yếu ớt cuối đường hầm được nhìn thấy tại hai quỹ do KIM quản lý khi huy động được hơn 1.000 tỷ đồng vốn rót vào chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, KIM Growth VN30 huy động được gần 928 tỷ đồng trong khi chỉ bị rút quỹ nhẹ 8,4 tỷ đồng. Kết quả này đưa quỹ vượt quy mô SSIAM VNFin Lead ETF lên vị trí thứ ba.

KIM GROWTH VN DIAMOND được ra mắt trong tháng 4 và huy động vốn được 93,5 tỷ đồng trong đợt đầu. Sau đó quỹ này ở trạng thái án binh bất động giống như tình cảnh của nhiều ETF nội khác như MAFM VNDIAMOND ETF, ABFVN DIAMOND ETF, BVFVN DIAMOND ETF, FPT CAPITAL VNX50 ETF.

Với quỹ của VinaCapital, trong 9 tháng qua, VinaCapital VN100 ETF huy động vốn được 87,4 tỷ đồng trong khi không bị rút quỹ.

Từ những thống kê trên có thể thấy được rằng lượng vốn huy động được thông qua ETF khá khiêm tốn khi so sánh với tổng số tiền bị rút ra. Đây chính là yếu tố đã góp phần gia tăng áp lực bán lên thị trường chung.

 

Sau giai đoạn bị rút ròng kỷ lục, tổng giá trị tài sản ròng thời điểm cuối tháng 9 của nhóm ETF trên thị trường giảm còn 24.857 tỷ đồng. Trong đó, DCVFMVN Diamond và DCVFMVN30 tiếp tục dẫn đầu với quy mô lần lượt 12.635 tỷ đồng và 7.228 tỷ đồng. Đứng thứ ba là KIM Growth VN30 với 1.673 tỷ đồng.

Nhóm còn lại ngoại trừ SSIAM VNFin Lead và VinaCapital VN100 đều có quy mô dưới 500 tỷ đồng. Thậm chí có 4 quỹ tài sản ròng dưới 100 tỷ đồng và không thể huy động được vốn mới sau khi ra mắt.

Thực trạng này đặt ra câu hỏi, chiến lược nào để phát triển ETF nội tại Việt Nam? Giải pháp nào để huy động được dòng tiền trở lại sản phẩm này trong khi cả thị trường trong và ngoài nước đều đang gặp những thế khó riêng? Mặc dù đạt hiệu suất vượt xa thị trường chung nhưng ETF vẫn còn khá xa lạ với cộng đồng nhà đầu tư trong nước, liệu có phương thức nào để sản phẩm đầu tư này trở nên quen thuộc hơn với số đông.

Những câu hỏi này sẽ được các chuyên gia đến từ ngành quản lý quỹ giải đáp tại sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 tổ chức vào ngày 8/11 tới đây tại TP HCM.

Hoàng Linh