|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học từ sự sụp đổ của Lamita: Thất bại vì thiếu tự chủ, trông cậy quá lớn vào nhà đầu tư

16:18 | 06/01/2021
Chia sẻ
Hệ thống phòng tập Dance Fitness Lamita từng kêu gọi vốn thành công tại Shark Tank mùa 3 và được các nhà đầu tư cùng cam kết rót 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Tuy nhiên mới đây hệ thống bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động vô thời hạn kể từ ngày 4/1.

Lamita được biết đến là hệ thống phòng tập Dance Fitness của Việt Nam được Shark Phạm Thanh Hưng (CEN Group) và Shark Đỗ Thị Kim Liên (Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ Lian) cùng cam kết rót 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần của chuỗi.

Bà Vũ Thị Thùy Linh, nhà sáng lập Lamita, cho biết thời điểm Shark Liên đồng ý rót vốn, Lamita được định giá 35 tỷ đồng, khi đó quy mô của hệ thống là 20 phòng tập. Sau 4 tháng lên sóng truyền hình, Lamita đã đạt được một số mục tiêu như doanh thu tăng 170%, lượng học viên tăng 2,5 lần và có 68 điểm tập trên toàn quốc, theo nguồn tin từ Shark Tank Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây Lamita bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động không xác định thời hạn kể từ ngày 4/1 do hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những khó khăn vướng mắc nội tại chưa thể giải quyết.

Nhiều lần tái cấu trúc, mở rộng quy mô nhưng... vẫn lỗ

Lamita làm ăn ra sao trước khi tạm ngừng hoạt động? - Ảnh 1.

Một buổi Dance Party của Lamita. (Ảnh: Laminta Dance Fitness).

Được biết Lamita ra đời vào năm 2012 bởi nhà sáng lập là bà Vũ Thị Thùy Linh. Chuỗi khởi đầu từ một trung tâm Zumba có tên Zumba Hà Nội. Năm 2015, Zumba Hà Nội đổi tên thành LaZum3.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị này chính thức thành lập vào ngày 1/9/2016 với cái tên CTCP thương mại dịch vụ và sự kiện Lamita và người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Thị Thùy Linh.

Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục thể thao và giải trí, cùng 7 hoạt động khác, trong đó có dịch vụ hỗ trợ giáo dục và giáo dục nghề nghiệp. Năm 2017, công ty đăng ký mở rộng thêm 16 ngành nghề khác trong đó có hoạt động bán lẻ băng đĩa, âm thanh, hình ảnh, thiết bị, dụng cụ thể dục và hàng may mặc.

Tới năm 2018, LaZum3 chính thức thay diện mạo mới với tên Lamita. Cùng năm đó, công ty cũng thực hiện thay đổi vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 2,6 tỷ đồng và thay đổi cơ cấu sở hữu cổ phần của các cổ đông.

Từ đó, công ty phát triển thành hệ thống các thương hiệu thành viên với nhiều mảng hoạt động, bao gồm Lamita Fitness, Lamita Star, Lamita Shop & La Phạm. Tháng 8/2018, Lamita Fitness có mặt tại Thủ đô Waszawa của Ba Lan, mở ra cánh cửa đưa thương hiệu mở rộng ra thị trường quốc tế.

Lamita làm ăn ra sao trước khi tạm ngừng hoạt động? - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Thùy Linh, nhà sáng lập Lamita, tại Shark Tank mùa 3. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Vào đầu tháng 8/2019, Lamita lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3 với hy vọng có thể gọi vốn 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần của công ty với kỳ vọng ngoài việc phát triển hệ thống phòng tập offline còn phát triển sản phẩm online.

Cùng trong năm đó, Lamita đăng ký thêm hai ngành nghề kinh doanh mới và tăng vốn điều lệ từ 2,6 tỷ đồng lên 6,8 tỷ đồng. Tính tới tháng 2/2020, Lamita kết thúc việc thẩm định lại giá trị công ty, theo đó công ty có trị giá là 100 tỷ đồng với 65 điểm tập, bà Linh chia sẻ trên Facebook.

Theo thông tin chúng tôi có được, bà Vũ Thị Thùy Linh là Giám đốc của công ty, hiện nắm giữ 75% cổ phần, 25% còn lại là từ các cá nhân và nguồn khác.

Tính tới ngày 31/12/2019, Lamita có số vốn góp chủ sở hữu là 6,8 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 6,9 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2019, doanh thu thuần của công ty đạt 3,7 tỷ đồng tăng ba lần so với năm 2018 (đạt 1,2 tỷ đồng).

Bài học từ sự sụp đổ của Lamita: Thất bại vì thiếu tự chủ, trông cậy quá lớn vào nhà đầu tư - Ảnh 3.

(Đồ họa: Tường Vy).

Tuy vậy trong ba năm tài chính gần nhất, Lamita đều báo lỗ hàng trăm triệu đồng. Trong năm 2019, Lamita lỗ 131 triệu đồng, đã gần ở mức hòa vốn. Hai năm trước liền kề (2017 và 2018), Lamita báo lỗ lần lượt 859 triệu đồng và 645 triệu đồng.

Theo thông tin chúng tôi có được, Lamita có khoản nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) trong năm 2019 là 1,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017 khoản nợ này là 858 triệu đồng.

Bài học thất bại vì thiếu tự chủ và trông cậy quá lớn vào nhà đầu tư

Sau thông báo tạm dừng hoạt động vô thời hạn khiến nhiều học viên lo lắng, chuỗi phòng tập Lamita đã phát đi thông báo ngày 5/1 tuyên bố việc tạm dừng là nhằm tái cấu trúc hệ thống.

Đồng thời, Lamita cũng khẳng định "không có tình trạng cố tình thu tiền của học viên khi đã có quyết định tạm dừng hoạt động hệ thống". Theo đó, ở thông báo này Lamita chính thức đưa ra lộ trình hoàn trả học phí và cam kết thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi đối với các học viên thuộc hệ thống.

Trải lòng trước sự suy yếu của "đứa con tinh thần", chiều ngày 6/1, nhà sáng lập chuỗi phòng tập Lamita chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, cho rằng việc Lamita đóng cửa có một phần không nhỏ lỗi từ cá nhân bà.

"Một trong những lỗi lớn nhất của Linh là không lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống nên khi gặp dịch bệnh đã để mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh. Một bài học nữa cũng rất đắt giá, đó là về việc trông đợi vào vốn đầu tư", bà viết trên trang Facebook cá nhân.

Bà Vũ Thị Thùy Linh cho biết sau khi nhận được cái "gật đầu" từ nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam 2019, bà kỳ vọng ngoài việc phát triển hệ thống phòng tập offline còn phát triển sản phẩm online.

Lamita làm ăn ra sao trước khi tạm ngừng hoạt động? - Ảnh 4.

Bà Vũ Thị Thùy Linh trải lòng về thất bại trong việc quản lý hệ thống phòng tập Lamita. (Ảnh: Facebook NV).

Trong thời gian chờ đợi vốn rót từ Shark Liên, bà Linh đã huy động thêm vốn từ các cổ đông để mở rộng hệ thống, đồng thời ra mắt mô hình nhượng quyền mới, quy mô trên toàn quốc. Sau 6 tháng kể từ thời điểm Shark Liên đồng ý rót vốn (tức tháng 11/2019), Lamita nâng quy mô của hệ thống từ 20 phòng tập lên 50 phòng tập.

Nhưng sau khi việc thẩm định trị giá công ty để nhận vốn đầu tư kết thúc vào đầu tháng 11/2019, Shark Liên lại gặp khó khăn nên việc rót vốn bị trì hoãn nhiều lần. Vì thế bà Linh đã từ chối Shark Liên để làm việc với một quỹ khác, các nhà đầu tư cũng cam kết rót 30 tỷ đồng cho 30% cổ phần vào tháng 2/2020 sau khi công ty được thẩm định lại.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ ập đến cùng với việc công ty hoạt động mà không có doanh thu, trong khi các chi phí mặt bằng, nhân sự vẫn phải chi trả, nhà đầu tư thì chưa rót vốn như đã cam kết, Lamita bắt đầu gặp khó khăn.

Đến tháng 5/2020 khi hết thời gian giãn cách, Lamita mở cửa hệ thống trở lại nhưng hoạt động cầm chừng và bắt đầu thấm đòn dịch.

Lamita làm ăn ra sao trước khi tạm ngừng hoạt động? - Ảnh 5.

Phòng tập Lamita Dance Fitness. (Ảnh: Facebook NV).

Bà Linh đã nhiều lần kết nối lại với quỹ đầu tư nhưng cuối cùng, họ đã trì hoãn vô thời hạn. Cũng sau nhiều lần họp cổ đông, tới giữa tháng 8, Lamita đi đến kết luận tạm dừng hoạt động do dịch, đồng thời mở cửa hoạt động trở lại với chiến lược thu gọn, tinh giản nhân sự và tái cấu trúc toàn bộ hệ thống.

Khi đó, Lamita bắt đầu nợ lương nhân sự. Theo bà Linh, hệ thống từ 65 điểm tập với khoảng 200 nhân sự, Lamita thu hẹp còn 16 điểm tập. Suốt ba tháng, công ty đã cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh nhưng không đi tới kết quả và mất cân đối dòng tiền, nợ lương... dẫn đến quyết định đóng cửa vào ngày 4/1.

Tổng kết lại bài học của mình, bà Linh chỉ ra những điểm còn thiếu sót trong hoạt động của mình như quá kỳ vọng vào vốn đầu tư mà không tự dựa vào sức mình; vấn đề quản lý dòng tiền; và điều quan trọng không kém là khi gọi vốn đầu tư nên tìm kiếm người không chỉ hỗ trợ về tài chính mà đồng hành trong các hoạt động về quản trị doanh nghiệp.

Nói về những dự định trong tương lai, bà Linh bày tỏ sự quyết tâm: "Khi bắt tay làm lại, Lamita dự định thu gọn phòng tập, triển khai sản phẩm online. Hiện học liệu, hệ thống phòng tập online mà tôi chuẩn bị từ nhiều năm đã khá đầy đủ và có thể triển khai ngay. Tôi mong một ngày Lamita sẽ xuất hiện trở lại với một diện mạo mới".

Tường Vy