|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài 1: Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường nội địa?

07:29 | 12/06/2019
Chia sẻ
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, do không có địa điểm tổ chức cố định nên những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trong giai đoạn trước đây vẫn mang tính mùa vụ.
Bài 1: Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường nội địa? - Ảnh 1.

Một điểm bán hàng Việt tại khu vực Tây Nam Bộ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Không chỉ chiếm trên 60% thị phần tại kênh bán lẻ truyền thống mà tại nhiều siêu thị và Trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 80% đến 90%.

Có được kết quả trên là nhờ sự lan tỏa của hành trình 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Đáng chú ý, Cuộc vận động đã tạo được niềm tin, sự quan tâm của phần lớn người tiêu dùng với thương hiệu và sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Từ đó, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa cũng như nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Loạt bài viết Hành trình vững bước của ‘Tự hào hàng Việt’ sẽ giúp độc giả hiểu thêm về Cuộc vận động đầy ý nghĩa này.

Bài 1: Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường nội địa?

Mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đã đứng vị trí tốp đầu của thế giới, nhưng ngay tại thị trường nội địa, một số phân khúc thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hàng Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, thậm chí là lép vế trước hàng ngoại.

Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư cho thị trường nội, trong khi các thương hiệu lớn của nước ngoài vẫn coi ngành bán lẻ của Việt Nam hết sức hấp dẫn?

Khoảng trống hệ thống phân phối

Cách đây 10 năm, khi Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chưa được triển khai, ông Nguyễn Hữu Tuân, một doanh nghiệp chuyên doanh trong ngành hàng may mặc rất mong muốn có thể đưa sản phẩm có chất lượng tốt đến tận tay người tiêu dùng ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tuy vậy, sau một vài chuyến đi tìm hiểu thị trường, bản thân ông nhận thấy vô vàn khó khăn khi nhiều người tiêu dùng còn e ngại với sản phẩm nội. Điều này là thực tế vì lâu nay, nhiều sản phẩm giá rẻ, kể cả hàng Trung Quốc đang tràn ngập các vùng quê và mẫu mã cũng khá đa dạng, bắt mắt.

Chính vì vậy, nhiều chuyến hàng đưa về tiếp thị cho bà con khu vực này, theo ông Tuân, chủ yếu để thăm dò thị hiếu hoặc giúp người tiêu dùng có thể nhận biết hàng chính hàng, còn việc để ‘bám rễ’ lại là một vấn đề rất lớn.

“Ngoài việc phải có một tiềm lực rất lớn về tài chính thì từ hệ thống phân phối đến loại hàng hóa nào và giá cả ra sao cũng rất khó khăn. Vấn nạn hàng không rõ nguồn gốc tại nhiều khu vực nông thôn hoành hành cũng là nỗi lo của doanh nghiệp,” ông Tuân kể lại.

Ở góc độ khác, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, do không có địa điểm tổ chức cố định nên những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trong giai trước đây vẫn mang tính mùa vụ.

Thậm chí khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào.

Với nhiều năm đồng hành với chương trình, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) nhận định, người tiêu dùng nông thôn luôn có nhu cầu dùng hàng Việt, sẵn sàng ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt với điều kiện hàng phải đảm bảo chất lượng, có mức giá chấp nhận được và dễ mua. Về phía doanh nghiệp, họ cũng có nhu cầu bán hàng, có khả năng đáp ứng thị trường.

Tuy nhiên, thực tế tiếp cận và chinh phục thị trường nông thôn không hề đơn giản vì bài toán chi phí và tính chuyên nghiệp. Việc xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có chuyên môn để đo dung lượng, tiềm năng thị trường để từ đó có chiến lược và giải pháp tiếp cận hiệu quả.

“Sau xây dựng, vấn đề quản lý và hỗ trợ hệ thống phân phối lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, chỉ cần lơ là là mất thị phần về tay đối thủ, phải làm lại từ đầu,” lãnh đạo BSA chia sẻ thêm.

- Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị tư nhân Tứ Sơn nói về cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường nội địa:

Những rào cản không dễ vượt qua

Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư tốt cho thị trường nội địa, bởi giữa xuất khẩu và sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước có những điều kiện khác nhau.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng lên tới trên 36 tỷ USD, đứng vào nhóm 2 nước dẫn đầu thế giới về quy mô xuất khẩu.

Tuy nhiên khi chia sẻ những khó khăn của Tập đoàn trong việc phát triển sản phẩm tại thị trường nội địa, ông Trường đánh giá còn ‘vất vả’ hơn phát triển thị trường xuất khẩu.

Ông phân tích, để vững trên thị trường nội địa doanh nghiệp phải trả lời 3 câu hỏi đó là bán ra thị trường với thương hiệu nào, tiết kế ra sao và quy mô bao nhiêu, màu sắc cũng như kiểu dáng… Tiếp đến là doanh nghiệp sẽ phân phối sản phẩm ở đâu và thứ ba là nguồn tài chính cho việc phát triển thị trường nội địa.

“Nếu làm hàng xuất khẩu chỉ trong vòng 90 ngày là tiền đầu tư sẽ quay trở về doanh nghiệp, trong khi để phát triển thị trường nội địa, từ lúc chuẩn bị thiết kế, lựa chọn sản phẩm và cung cấp ra thị trường đòi hỏi thời gian tối thiểu trên 12 tháng,” lãnh đạo Vinatex nói.

Lo ngại hơn khi 3 thách thức này dồn vào vai 95% doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế sẽ vô cùng khó khăn, nếu không có các bước tính toán thật phù hợp với năng lực của mình, nhiều doanh nghiệp rất khó tồn tại được trên thị trường.

Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Minh Hưng Group thì nhìn nhận những thách thức đối với hàng Việt trên thị trường nội địa đó là mẫu mã, giá cả và chất lượng.

Theo đánh giá của ông Thiện, những năm gần đây, tại thị trường nội địa nhất là khu vực nông thôn, xu hướng tiêu dùng đã được nâng lên rất nhiều, người dân không chỉ quan tâm đến giá cả mà vấn đề chất lượng cũng được đòi hỏi rất cao. Chính vì vậy, sản phẩm của doanh nghiệp đưa ra thị trường mà không gắn kết được các yếu tố đó sẽ khó chinh phục được người tiêu dùng.

“Cùng một sản phẩm nhưng mẫu mã, chất lượng và giá cả sẽ là yếu tố để người dân quyết định hành vi tiêu dùng của mình khi lựa chọn mua sản phẩm nội hay ngoại,” ông Huỳnh Hữu Thiện nói.

Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ và tiếp sức cho doanh nghiệp.


Đức Duy