|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNDirect: Doanh nghiệp dệt may không có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa

11:55 | 03/06/2019
Chia sẻ
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ khó để cạnh tranh với sản phẩm không có thương hiệu vì rẻ hơn và có mạng lưới phân phối rộng lớn thông qua các cửa hàng nhỏ lẻ trên khắp cả nước.

Thị trường may mặc Việt Nam khá khó khăn đối với các thương hiệu nội địa

Mặc dù người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chuyển sang quần áo hàng có thương hiệu hiệu để cải thiện hình ảnh cá nhân, xu hướng này chủ yếu mang lại lợi ích cho các thương hiệu thời trang quốc tế. VNDirect cho rằng các doanh nghiệp nội không có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa trong ngắn hạn.

Thứ nhất, quy mô thị trường may mặc Việt Nam tương đối nhỏ với giá trị trong năm 2018 xấp xỉ 2,6 tỉ USD (theo Euromonitor) so với tổng khả năng sản xuất của các doanh nghiệp may mặc trong nước vào khoảng 30 tỉ USD (tính theo tổng xuất khẩu may mặc trong năm 2018).

Thứ hai, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ khó để cạnh tranh với sản phẩm không có thương hiệu vì rẻ hơn và có mạng lưới phân phối rộng lớn thông qua các cửa hàng nhỏ lẻ trên khắp cả nước. Vì vậy, sẽ cần thêm thời gian để người tiêu dùng thay đổi thói quen từ mua quần áo không có thương hiệu sang quần áo có thương hiệu.

Để cạnh tranh với các nhà bán lẻ thời trang nước ngoài, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, hiện chủ yếu đang hoạt động theo phương thức CMT (gia công), cần phải chuyển sang các phương pháp FOB (Mua nguyên liệu bán thành phẩm), ODM (Sản xuất thiết kế gốc) và OBM (Sản xuất thương hiệu gốc) và sẽ mất nhiều thời gian và cần vốn đầu tư lớn.

Gia nhập thị trường may mặc bán lẻ nhưng chưa thành công?

VNDirect nhận thấy gần đây một số doanh nghiệp dệt may niêm yết đã gia nhập thị trường bán lẻ may mặc trong nước, cụ thể là TNG (với TNG Fashion) và Dệt may Thành Công (Mã: TCM); cả hai đều không thật sự thành công.

Theo ban lãnh đạo của TNG, TNG Fashion chưa đạt điểm hòa vốn sau ba năm hoạt động, trong khi tỷ trọng doanh thu của thương hiệu thời trang Dệt may Thành Công là không đáng kể. Viettien (Mã: VGG), thương hiệu lâu đời với hơn 20 năm hoạt động, là thương hiệu quần áo Việt Nam có kết quả tốt nhất với tăng trưởng kép doanh thu giai đoạn 2013-2018 là 15%, nhưng vẫn thua khá xa các thương hiệu nước ngoài mới gia nhập như Zara và H&M về tốc độ tăng trưởng.

Dệt may Thành Công là doanh nghiệp dệt may duy nhất có chuỗi giá trị tích hợp hoàn toàn theo chiều dọc từ sản xuất sợi đến sản xuất hàng may mặc. VNDirect kỳ vọng Dệt may Thành Công sẽ hưởng lợi trực tiếp từ CPTPP và EVFTA do đã có các cơ sở sản xuất nội bộ cho cả vải và sợi, qua đó đáp ứng các tiêu chí Quy tắc Xuất xứ của hai hiệp định thương mại này.

Bên cạnh đó, Dệt may Thành Công sẽ đầu tư vào một nhà máy dệt nhuộm với mức vốn đầu tư khoảng 16 triệu USD trong 2020. Nhà máy dự kiến sẽ bổ sung công suất nhuộm 3.000m vải/ ngày, do đó giảm chi phí thuê ngoài và có khả năng tăng tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 1%. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến khả năng thanh toán của khách hàng tiềm ẩn rủi ro trong tương lai gần khi Dệt may Thành Công đang cố gắng đàm phán lại các điều khoản thanh toán.

Vào tháng 2/2019, Sears đã được mua lại với giá 5,2 tỉ USD bởi quỹ phòng hộ của cựu CEO Edward Lampert, sau khi nộp đơn xin phá sản. Dệt may Thành Công đang chờ phán quyết từ tòa án Mỹ cho các khoản phải thu từ Sears với tổng trị giá khoảng 101 tỉ đồng. Theo Ban lãnh đạo, doanh nghiệp có thể thu hồi một phần khoản phải thu từ Sears.

Trong khi đó, VNDirect cho rằng, Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ chiến tranh thương mại và các động lực tăng trưởng vững chắc trong ngắn và dài hạn. Sợi polyester Trung Quốc và các sản phẩm liên quan hiện đã phải chịu mức thuế nhập khẩu 25%, tại thị trường Mỹ, khiến sợi Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, VNDirect kỳ vọng 2019 là một năm tích cực cho Sợi Thế Kỷ, nhờ vào việc cải thiện cơ cấu và vận hành nhà máy mới Trảng Bàng 5. Hơn nữa, Ban lãnh đạo của Sợi Thế Kỷ cho thấy tham vọng đầu tư vào các dự án mới với CAPEX rất lớn để nâng cấp công nghệ của và biến STK thành nhà sản xuất sợi tổng hợp lớn nhất tại Việt Nam từ 2022.

Cuối cùng đối với May Sông Hồng, VNDirect cho biết đây là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu tại Việt Nam, được củng cố bởi một cơ sở khách hàng mạnh mẽ là các thương hiệu thời trang cao cấp toàn cầu. VNDirect kỳ vọng một sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm, với sự đóng góp lớn hơn từ đơn hàng may mặc FOB có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

Việc mở rộng năng lực sản xuất dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn từ 2020 trở đi nhờ nhà máy may mặc Sông Hồng 10 (SH10) với tổng vốn đầu tư 16 triệu USD sẽ bắt đầu xây dựng vào quý II/2019 và đi vào hoạt động trong nửa cuối 2020. Tổng công suất của May Sông Hồng sẽ tăng 25%. Ngoài ra, công ty có chính sách cổ tức rất hấp dẫn, với cổ tức năm 2019 dự kiến là 3.500 đồng/cp.

Minh Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.