|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang là cơ hội để dệt may Việt giành thị phần từ Trung Quốc

06:19 | 29/05/2019
Chia sẻ
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán VNDirect, các nhà nhập khẩu toàn cầu sẽ tiếp tục chuyển nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam để phòng ngừa một cuộc căng thẳng thương mại trong tương lai có thể tái diễn.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam giành thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ trong vài năm gần đây

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán VNDirect cho biết, tỷ trọng xuất khẩu dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ tăng lên 11,6% vào năm 2018 từ mức 6,7% vào năm 2010, trong khi Trung Quốc mất dần thị phần xuống 36,5% từ mức 41,2% trong cùng kỳ.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang là cơ hội để dệt may Việt giành thị phần từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Chứng khoán VNDirect cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này bao gồm sự tái cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc (như đã giải thích ở trên) và quan điểm chính trị của Tổng Thống Trump đã châm ngòi cho căng thẳng thương mại kể từ khi ông đắc cử vào năm 2016 (một phần khiến cho xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Mỹ giảm trong cùng năm).

Theo Chứng khoán VNDirect, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ cải thiện triển vọng xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tương lai. Các nhà nhập khẩu toàn cầu sẽ tiếp tục chuyển nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam để phòng ngừa một cuộc căng thẳng thương mại trong tương lai có thể tái diễn.

Nguyên nhân là đồng Nhân Dân Tệ (NDT) mất giá, do hậu quả của chiến tranh thương mại, sẽ là thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhờ nguyên liệu đầu vào rẻ hơn. Trong những động thái mới nhất để trả đũa Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã phá giá đồng NDT để hỗ trợ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, khiến đồng NDT giảm 210 điểm cơ bản so với VND từ đầu tháng 5/2019.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể mua nguyên liệu giá rẻ hơn bao gồm sợi, vải từ Trung Quốc (nguồn nhập khẩu lớn nhất cho các sản phẩm này) và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Do nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất xấp xỉ 60% - 70% giá vốn hàng bán, chúng tôi ước tính với mỗi 100 điểm cơ bản mà đồng NDT mất giá so với VND thì biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tăng trung bình 50 - 60 điểm cơ bản.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang là cơ hội để dệt may Việt giành thị phần từ Trung Quốc - Ảnh 2.

EVFTA có thể giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng trong khi CPTPP sẽ giúp cải thiện tâm lý ngành

Theo Chứng khoán VNDirect, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chủ yếu sẽ giúp cải thiện tâm lý của ngành dệt may do có sự trùng lặp với các Hiệp định thương mại trước đó.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, 11 quốc gia khác đã nhóm lại và hình thành một thỏa thuận thương mại mới gọi là CPTPP (với các quy tắc tương tự) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 14/1/2019 sau khi các nước đăng ký vào 3/8/2018. CPTPP sẽ ngay lập tức loại bỏ 95-98% dòng thuế và phần còn lại trong năm năm tới.

Tuy nhiên, Chứng khoán VNDirect lưu ý rằng phần lớn tác động từ CPTPP bị trùng lặp với VJEPA đã ký trước đó với Nhật Bản, đối tác thương mại lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 4 tỉ USD trong 2018, so với các thành viên CPTPP (với tổng giá trị xuất khẩu dệt may là 5 tỉ USD). Do đó, hiệu quả thực tế đối với ngành dệt may Việt Nam từ CPTPP là không đáng kể.

Mặt khác, EVFTA (FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu) có thể mang lại cơ hội lớn từ thị trường khổng lồ. EU là đối tác thương mại dệt may quan trọng của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,2 tỉ USD trong năm 2018, tương đương 11,6% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam. EVFTA sẽ loại bỏ 99% dòng thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU (hiện ở mức 10% - 12%) và cũng kích thích đầu tư từ EU vào Việt Nam qua đó cải thiện chuỗi giá trị ngành dệt may. EVFTA, đã được đệ trình lên Hội đồng EU vào tháng 11/2018, và lên kế hoạch để thảo luận bởi EU vào ngày 28/5/2019. Theo quan điểm của Chứng khoán VNDirect, do tình hình phức tạp của Brexit, việc phê chuẩn EVFTA có thể kéo dài hơn và dự kiến có thể sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.

Nhìn chung, Chứng khoán VNDirect ước tính khoản cắt giảm thuế cho các nhà nhập khẩu từ các hiệp định này có thể lên tới 484 triệu USD (với mức thuế suất trung bình là 10%, sau khi loại trừ trùng lặp với các FTA trước đó), do đó có khả năng tăng cường xuất khẩu đến các địa điểm này. Các nhà sản xuất thượng nguồn và các nhà doanh nghiệp dệt may có chuỗi sản xuất hoàn thiện dự kiến sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Theo đó, các doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ các thỏa thuận thương mại này là doanh nghiệp thượng nguồn (bao gồm các doanh nghiệp sợi và vải, như STK - nhà sản xuất sợi polyester) hoặc các công ty có chuỗi sản xuất hoàn thiện (như TCM). Điều này là do các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải bắt đầu tìm nguồn cung ứng nội địa để đáp ứng các quy tắc xuất xứ.

Ngoài ra, so với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc hạ nguồn (sẽ phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn của Trung Quốc đang dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam), các doanh nghiệp thượng nguồn sẽ nhận thấy thị trường tiềm năng của họ tăng lên đến từ việc dịch chuyển các nhà máy may mặc của doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam.

Ngoài ra, Chứng khoán VNDirect cho rằng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì phần lớn sản phẩm thượng nguồn được sản xuất bởi các doanh nghiệp nước ngoài (đóng góp hơn 70% giá xuất khẩu sợi của Việt Nam). Chuỗi giá trị được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI, tập trung vào các sản phẩm đầu vao, để hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ Trung và các hiệp định thương mại.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang là cơ hội để dệt may Việt giành thị phần từ Trung Quốc - Ảnh 3.

Sau khi đàm phán thành công CPTPP và sắp tới là EVFTA, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo, cụ thể vào ở các sản phẩm dệt, sợi và nhuộm do nhu cầu đối với các sản phẩm thượng nguồn trong nước sẽ ngày càng lớn nhờ vào Quy tắc xuất xứ đặt ra từ các hiệp định này.

Bên cạnh đó, Chứng khoán VNDirect nhận thấy cơ hội đầu tư vào phân khúc thượng nguồn dự kiến sẽ rất lớn. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam có năng lực tương đối mạnh về may và sản xuất hàng may mặc, nhưng tương đối yếu trong sản xuất các sản phẩm thượng nguồn (bao gồm cả sợi và vải, do thâm dụng vốn), hình thành một "nút thắt cổ chai" trong cả chuỗi giá trị ngành.

Minh Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.