|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà Trần Uyên Phương: Phim Crazy Rich Asians không phản ánh đầy đủ cuộc sống người giàu Châu Á

16:24 | 06/09/2018
Chia sẻ
Chia sẻ với Tạp chí Forbes, bà Trần Uyên Phương – Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng tài sản của người giàu không chỉ để tiêu xài phung phí mà còn để đóng góp cho thế giới và giúp đỡ mọi người.
ba tran uyen phuong phim crazy rich asians khong phan anh day du cuoc song nguoi giau chau a Bà Trần Uyên Phương nói gì trong lễ ra mắt sách 'Vượt lên người khổng lồ' tại Mỹ?

Kể từ lần đầu lên rạp ngày 15/8 vừa qua, bộ phim Crazy Rich Asians đã gặt hái được những thành công vang dội và ước tính mang về trên 120 triệu USD doanh thu phòng vé tính đến ngày 5/9, vượt xa những dự báo ban đầu.

Sự giàu sang tột đỉnh mô tả trong bộ phim được cho là dựa trên bối cảnh thực tế và nhiều người xem tỏ ra rất hứng thú khi được biết thêm về cuộc sống của những gia đình giàu có nhất thế giới, bao gồm một thế hệ người giàu mới nổi tại Châu Á.

Tuy vậy, một số người xem lại đặt ra câu hỏi: “Những gì được diễn tả trong bộ phim có công bằng không và có tính đại diện không nếu người xem hình thành định kiến rằng tất cả những người Châu Á giàu có đều ham mê những món đồ xa xỉ phù phiếm?”

ba tran uyen phuong phim crazy rich asians khong phan anh day du cuoc song nguoi giau chau a
Diễn viên phim Crazy Rich Asians. Ảnh: Evan Agostini/Invision/AP.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) – một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh và có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam và là tác giả của cuốn sách “Competing With Giants” (tạm dịch: Vượt lên những người khổng lồ) cho rằng: “Hoàn toàn không”.

Theo bà Uyên Phương, bộ phim Crazy Rich Asians mới chỉ khai thác được một phần của câu chuyện về của cải và phần còn lại của câu chuyện mới là phần đáng nói vì ẩn chứa trong đó là những bài học sống còn đối với những ai có tham vọng gây dựng thành công lớn trong tương lai.

Bà Uyên Phương cho rằng, bài học quan trọng nhất là chúng ta không được phép quên rằng để có thể vươn lên từ cảnh nghèo khó và môi trường kinh tế xã hội bất lợi như nhiều người Châu Á từng làm, đòi hỏi phải có tinh thần làm việc cần cù, cống hiến không mệt mỏi, sẵn sàng hy sinh và những giá trị hết sức nghiêm túc.

Trước khi đạt đến vị thế có thể từ chối lời mời mua lại từ Coca-Cola trong một thương vụ trị giá 2,5 tỷ USD, Tân Hiệp Phát có một khởi đầu khiêm tốn từ một xưởng sản xuất men rượu quy mô gia đình hoạt động trong căn phòng nhỏ xíu. Đối mặt với cảnh thiếu thốn, gia đình bà Trần Uyên Phương – giống như nhiều gia đình khác ở Châu Á, đã học cách không những phải sáng tạo mà còn phải luôn khiêm tốn và chú ý tới người xung quanh.

Ngoài việc điều hành Nhà máy số 1 Chu Lai của Tân Hiệp Phát, bà Uyên Phương còn chịu trách nhiệm công tác thu mua, marketing trong nước và quốc tế, quan hệ công chúng và chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của toàn Tập đoàn.

Tạp chí Forbes đã có buổi phỏng vấn bà Uyên Phương về cách xây dựng thành công từ một khởi đầu khiêm tốn:

Bà Kathy Caprino (phóng viên Forbes): Bà có cảm nghĩ gì về bộ phim mới ra Crazy Rich Asians và thông điệp mà bộ phim này chia sẻ?

Bà Uyên Phương: Bộ phim Crazy Rich Asians tập trung phô diễn mặt vật chất của cuộc sống người giàu, qua đó gửi đi thông điệp rằng mục đích của tài sản chỉ là để tiêu xài phung phí. Nhưng tài sản còn là để chúng ta đóng góp cho thế giới và giúp đỡ mọi người đi theo hướng tích cực, tự chủ hơn.

Một trong những việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm với tài sản là giúp mọi người hiểu ra điều này và cho họ những công cụ cần thiết để tạo ra sự khác biệt theo những cách mà họ cảm thấy có ý nghĩa.

Tài sản còn phải đi đôi với một mối quan hệ đúng đắn với đồng tiền, tức là không để đồng tiền chi phối suy nghĩ và cuộc sống của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần biết sử dụng đồng tiền như công cụ để đạt được những mục tiêu chúng ta muốn. Đừng để bản thân phụ thuộc vào vật chất.

Khi cha tôi còn trẻ, ông nội tôi cho ông ấy một chiếc xe máy – một món đồ khá đắt tiền thời đó. Cha tôi nhận ra rằng, để giữ chiếc xe hoạt động cần phải liên tục bảo dưỡng và chi tiền đổ xăng, tức tốn thêm tiền.

Vì vậy, cha tôi quyết định bán chiếc xe đó để không bị vướng bận vì những khoản chi tiêu liên tục. Thay vào đó, cha tôi mua một chiếc xe đạp và dùng tiền chênh ra để làm những việc mà ông cảm thấy quan trọng hơn. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc là cực kỳ quan trọng.

ba tran uyen phuong phim crazy rich asians khong phan anh day du cuoc song nguoi giau chau a
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát

Phóng viên Forbes: Tất nhiên Crazy Rich Asians là một bộ phim hài lãng mạn và không mang tính đại diện cho lối sống của tất cả người giàu tại Châu Á. Nhưng bà vừa nói là bà đặc biệt không đồng ý với thông điệp của bộ phim. Bà có thể nói rõ hơn được không?

Bà Uyên Phương: Bộ phim này khai thác một khuôn mẫu mang tính giải trí với người xem nhưng không phản ánh đúng thực tế cuộc sống của nhiều người giàu tại Châu Á.

Ở Việt Nam có người gọi tôi là cô gái “tỷ đô”. Nhưng tôi chỉ đeo một chiếc đồng hồ Garmin, tôi không mang kim cương và vào kỳ nghỉ, tôi dự lớp đào tạo kinh doanh của gia đình.

Việc đào sâu khai thác yếu tố vật chất khiến sự chú ý của khán giả tập trung nhầm chỗ. Bộ phim gửi đi thông điệp rằng những người giàu chỉ quan tâm đến bản thân mình và các món đồ chơi đắt tiền, từ đó tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm khiến người khác cũng nuôi tham vọng hành động như vậy.

Phóng viên Forbes: Vậy nửa kia của câu chuyện mà bà muốn chia sẻ và nhấn mạnh là gì?

Bà Uyên Phương: Những giá trị gia đình cốt lõi quan trọng hơn rất nhiều những yếu tố vật chất. Đối với gia đình tôi, điều này có nghĩa là mỗi thành viên cần phải suy nghĩ không chỉ cho bản thân mình trước tiên mà còn phải quan tâm tới gia đình và cộng đồng. Gia đình tôi – gồm cha mẹ tôi, em gái tôi Ngọc Bích và tôi – sống trong một căn hộ ở ngay bên trên nhà máy của Tân Hiệp Phát và chúng tôi cố gắng dùng bữa cùng nhau một lần mỗi ngày.

Bộ phim Crazy Rich Asians cũng nói qua những giá trị gia đình sâu sắc trong những cảnh quay về chiếc nhẫn đính hôn của Rachel. Việc cầu hôn bằng một chiếc nhẫn đã được truyền trong gia đình qua nhiều thế hệ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự chấp nhận, và hành động này có ý nghĩa hơn rất nhiều so với giá trị hay vẻ đẹp của chính chiếc nhẫn.

Tuy nhiên trong bộ phim, chiếc nhẫn trông quá ư hào nhoáng, tới độ nhiều khán giả dễ dàng bỏ qua thông điệp sâu sắc của cảnh quay và thay vào đó lại tập trung vào sự xa xỉ của chiếc nhẫn.

Phóng viên Forbes: Bà từng chia sẻ rằng có 5 nguyên tắc về thành công và của cải mà một người cần biết để sống tốt và hiệu quả. Đó là những nguyên tắc nào?

Bà Uyên Phương: Ở Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Điều này có nghĩa là thế hệ thứ hai - vì không phải vượt lên sự thiếu thốn như cha mẹ mình - nên phải rất nỗ lực mới có thể có ý chí quyết tâm như thế hệ thứ nhất. Và thế hệ thứ ba phải đặc biệt cẩn trọng để không làm tiêu tán tài sản mà ông cha mình gây dựng.

Như tôi viết trong cuốn sách Vượt lên những người khổng lồ, đối với gia đình tôi, những nguyên tắc này quan trọng hơn rất nhiều của cải vật chất:

  • Thành công nghĩa là kết quả, không phải tài sản sở hữu được
  • Biết trân trọng giá trị của lao động để đạt được thành công
  • Đừng để sức mạnh của đồng tiền làm cho mờ mắt
  • Hiểu rằng thừa kế một doanh nghiệp không phải là đặc quyền, mà là trọng trách
  • Hãy phục vụ người khác chứ đừng mong được người khác phục vụ

Suy cho cùng, những giá trị này giúp chúng tôi biết rằng từ chối lời đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD của Coca-Coal là việc đúng đắn nên làm.

Phóng viên Forbes: Nếu bà được viết kịch bản một bộ phim về của cải và cách sử dụng của cải để tạo tác động tích cực lên thế giới, bà sẽ chia sẻ điều gì?

Bà Uyên Phương: Đối với tôi, cách sử dụng của cải quan trọng nhất là kết nối mọi người và tạo năng lượng tích cực để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Điều này không có nghĩa là đem tiền đi làm từ thiện mà còn có thể là tiên phong làm những việc có tác động trực tiếp tới cuộc sống con người.

Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi thực hiện nhiều sáng kiến để ghi nhận đóng góp của từng công nhân viên, bao gồm cả một cuộc thi để tất cả công nhân viên ở mọi cấp bậc có thể tham gia đóng góp ý tưởng.

Bằng cách cho họ cơ hội để đóng góp và ghi nhận những ý tưởng sáng tạo, chúng tôi làm bật lên những giá trị mà nhân viên mang tới công ty, cho họ thêm sự tự tin và năng lượng.

Một khía cạnh khác mà tôi muốn có trong bộ phim của mình là giúp mọi người hiểu rằng, chúng ta có sức mạnh để vượt lên trên số phận của chính mình. Chủ động sáng tạo, giải quyết vấn đề và đề xuất các giải pháp sẽ đưa chúng ta tiến xa trong cuộc sống, xa hơn rất nhiều so với khi chúng ta chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, mong đến cuối tuần và ngày nhận lương.

Chúng tôi phổ biến nếp tư duy này đến với công nhân viên của mình và hy vọng rằng tư duy này còn được truyền sang cả gia đình họ, tạo ra sự ảnh hưởng vượt ra ngoài những bức tường của công ty.

Xem thêm

Kiên Dương