Ba dấu hiệu thị trường việc làm đang tái cân bằng, Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất và tránh được suy thoái
Trong một năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất để khống chế áp lực lạm phát. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia hàng đầu Phố Wall đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra suy thoái.
Phố Wall lo ngại rằng nếu Fed muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải nâng lãi suất cho đến làn sóng thất nghiệp tấn công nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs vẫn lạc quan, bất chấp các chuyên gia khác quan ngại về thị trường lao động và những rủi ro kinh tế khác.
Phố Wall tin rằng xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là khoảng 65%, nhưng Goldman Sachs cho rằng tỷ lệ chỉ vào khoảng 35%. Ông lớn ngân hàng Mỹ càng quả quyết sau khi chính phủ công bố báo cáo việc làm tháng 3 đầy hứa hẹn.
Theo các quan chức Fed, thị trường lao động nóng lên đã góp phần làm trầm trọng thêm áp lực giá tiêu dùng trong hơn một năm qua.
Do đó, trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói “thị trường lao động dịu đi phần nào” sẽ là yếu tố cần thiết để lạm phát chững lại, theo Fortune.
Bình luận trên làm gia tăng lo ngại bấy lâu nay của thị trường rằng các nhà hoạch định chính sách có thể kích hoạt suy thoái bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Song, ông Powell cũng khẳng định rằng để kiểm soát lạm phát, “tỷ lệ thất nghiệp không nhất thiết phải tăng quá mạnh”. Ông cho rằng Mỹ vẫn còn một con đường dẫn đến “cuộc hạ cánh mềm”.
Dữ liệu việc làm mới nhất có vẻ khá giống con đường mà Chủ tịch Fed đã mô tả, ông David Mericle, nhà kinh tế cấp cao của Goldman Sachs, nhận định.
“Tuần này mang đến những tin tức đáng khích lệ về khả năng Fed có thể tái cân bằng thị trường lao động, yếu tố cần thiết cho một cuộc hạ cánh mềm”, ông viết trong ghi chú hôm 7/4.
Vị chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý rằng nguồn cung lao động đang đi lên, trong khi nhu cầu đi xuống - cả hai diễn ra cùng lúc mà tỷ lệ thất nghiệp không gia tăng đáng kể.
Ba lý do để Fed ăn mừng
Ông Mericle và các đồng nghiệp đã liệt kê ba xu hướng tích cực trong dữ liệu thị trường lao động mới đây, cho rằng chúng có thể giúp Fed kiểm soát lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng hay gây ra suy thoái nghiêm trọng.
Đầu tiên, họ lập luận rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed đã cắt giảm nhu cầu lao động một cách “không gây đau đớn”. Fed đã làm giảm số lượng cơ hội việc làm trong nền kinh tế mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
“Đây là một điểm khác biệt lớn so với mô hình thông thường trong quá khứ, vốn là điều nhiều người nghĩ là không thể”, ông Mericle nhấn mạnh.
Cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm 632.000 trong tháng 2 và hơn 2 triệu kể từ mức cao nhất là 12 triệu vào tháng 3 năm ngoái, theo Khảo sát về cơ hội việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) mới nhất.
Ông Mericle cho biết đây là “mức giảm lớn nhất trong lịch sử khi nền kinh tế không suy thoái”. Đồng thời, ông nói thay đổi này đã giúp giảm bớt áp lực tiền lương xuống một mức tương ứng với lạm phát 2%.
Thứ hai, nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết “nguồn cung lao động hiện đã phục hồi hoàn toàn” về mức trước đại dịch.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của toàn bộ người lao động tại Mỹ đã trở lại mức 62,6% vào tháng trước, gần bằng mức trước đại dịch.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm người lao động chủ lực (trong khoảng 24 đến 54 tuổi) đã tăng trở lại mức 83,1%, ông Mericle thông tin thêm.
Nói cách khác, rất nhiều người muốn đi làm hiện đã có việc làm. Mặt khác, cơ hội việc làm vẫn còn rất nhiều, nhưng không cao bất thường như trước.
Ông Mericle nói thêm: “Dân nhập cư cũng đã phục hồi nhanh trong hơn một năm rưỡi qua để đảo ngược tình trạng thiếu hụt lao động trong giai đoạn đầu của đại dịch”. Theo vị chuyên gia, đây là một yếu tố khác sẽ làm giảm áp lực tiền lương.
Hồi tháng 11/2021, nền tảng Insider Economy ước tính rằng Mỹ đã mất hơn 2 triệu lao động do lượng người nhập cư xuống thấp trong đại dịch. Ở thời điểm đó, các chuyên gia cho biết nền kinh tế Mỹ thiếu khoảng 3 triệu lao động.
Cuối cùng, Goldman Sachs đã nhìn thấy bằng chứng cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang bắt đầu làm chậm tốc độ tăng trưởng tiền lương.
Tăng trưởng tiền lương danh nghĩa đã chững lại từ mức đỉnh hơn 6% hồi năm ngoái xuống còn khoảng 4,5% trong tháng 2, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống gần mức thấp kỷ lục là 3,5%.
Trong khi đó, cũng vào tháng 2, tăng trưởng tiền lương thực tế (đã tính đến lạm phát) giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi thấy các số liệu trên đã củng cố cho quan điểm lâu nay của Goldman Sachs rằng phần lớn mức tăng trưởng tiền lương trước kia là do nguồn cung lao động tạm thời sụt giảm, các chính sách tạm thời khiến người dân ngại kiếm việc làm...đến nay, tất cả đều đã dịu bớt một cách tự nhiên”, ông Mericle viết.
Do áp lực tiền lương đã dịu đi, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng Fed có thể không cần tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa. Điều này sẽ giúp mở đường cho một cuộc hạ cánh mềm.