|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ rạn vỡ, nỗi lo suy thoái ngự trị Phố Wall

10:44 | 05/04/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đã mất bớt sức hấp dẫn sau khi dữ liệu việc làm mới nhất cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế đang phai nhạt. Các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn, kéo giá vàng và trái phiếu Kho bạc Mỹ đi lên.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ.  (Ảnh: AP)

Tìm chỗ trốn

Dữ liệu mới công bố ngày 4/4 cho thấy thị trường lao động nóng bỏng của Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu hạ nhiệt. Sau khi nhận được thông tin này, các nhà đầu tư có vẻ đang đánh giá lại khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số vị trí công việc đang mở trong tháng 2 đã giảm còn 9,9 triệu, mức thấp nhất trong vòng 21 tháng trở lại.

Đồng thời, một báo cáo khác tiết lộ rằng số đơn đặt hàng nhà máy đã giảm lần thứ ba trong 4 tháng liên tiếp. Rất nhanh sau đó, các nhà đầu tư đã đổ dồn vào các tài sản an toàn, giá trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt và giá vàng cũng tiến gần hơn đến mức cao kỷ lục, tờ MarketWatch cho biết. 

 

Cổ phiếu đánh mất sức hấp dẫn. Cả ba chỉ số chứng khoán chính là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đi xuống trong phiên 4/4. Chỉ số USD Index sụt 0,5%.

Giới đầu tư nhận thấy có tới 98% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất trong năm 2023. Họ dự đoán rất có thể các nhà hoạch định chính sách sẽ ngừng tăng lãi suất và tháng 5 và 6 rồi chuyển sang cắt giảm lãi suất vào tháng 7.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ ngoại hối OANDA, nhận xét: “Chúng ta đã chứng kiến số lượng việc làm trống ở mức cao trong khoảng thời gian khá dài, vậy nên dữ liệu ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng.

Có vẻ khá rõ ràng rằng chúng ta sẽ chứng kiến một số bộ phận của nền kinh tế bị đổ vỡ và nước Mỹ đang tiến vào suy thoái.

Thêm nữa cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn đang diễn ra, do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải chịu nỗi đau lớn đến mức bị tê liệt. Khoảng thời gian phía trước sẽ rất khó khăn và điều đó có lẽ sẽ được phản ánh trên thị trường”.

Rủi ro suy thoái nghiêm trọng

Các cảnh báo về nguy cơ Mỹ suy thoái đã kéo dài suốt một năm mà không thành sự thực. Điều đó đã giúp nhà đầu tư tập trung vào khía cạnh tích cực của các sự kiện, và cả ba chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm so với đầu năm.

Chỉ vài ngày trước, thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ đã làm dấy lên suy đoán rằng giá dầu có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng.

Viễn cảnh này có hại cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed, nhưng các nhà đầu tư lại chú ý vào việc giá dầu tăng cao sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp Mỹ. Cổ phiếu năng lượng diễn biến vượt trội, kéo chỉ số Dow Jones và S&P 500 đi lên trong phiên đầu tuần.

 

Nhưng thị trường lại có phản ứng trái ngược đối với thông tin trong ngày 4/4. Nhìn chung, dữ liệu mới cho thấy thị trường lao động yếu đi có thể giúp giảm bớt áp lực tiền lương và lạm phát. 

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Moya, các nhà đầu tư có vẻ tập trung hơn vào các dấu hiệu mà báo cáo này phát đi về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Ông nói tiếp: “Có vẻ chúng ta khá thoải mái với ý tưởng sống chung với giá dầu 100 USD/thùng, và giờ khá rõ rằng nền kinh tế sẽ suy thoái. Hôm trước nhiều người nghĩ rằng giá dầu tăng đột biến sẽ khiến thị trường tập trung vào nỗi lo lạm phát, nhưng giờ dường như nền kinh tế đã yếu đến mức họ không thể ngó lơ”.

Các nhà kinh tế thuộc gã khổng lồ PIMCO vừa công bố báo cáo triển vọng 6-12 tháng tới của các thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Các tác giả đánh giá rằng biến động gần đây trong ngành ngân hàng đã làm tăng nguy cơ các điều điện tín dụng bị thắt chặt đáng kể, dẫn đến rủi ro “suy thoái đến sớm hơn và nghiêm trọng hơn”.

Tại ngân hàng đầu tư BMO Capital Markets, các chuyên gia lãi suất nhận định “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy niềm tin 'nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống chọi với lãi suất cao' là sai lầm”.

Giang