|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà chủ KDL Đại Nam kể chuyện con trai vướng vào cá độ bóng đá, cảnh cáo nhóm cho vay nặng lãi

11:22 | 08/01/2021
Chia sẻ
Bà Nguyễn Phương Hằng cho biết sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc trong trường hợp các nhóm xã hội đen tiếp tục lôi kéo con trai bà.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty CP Đại Nam (điều hành khu du lịch Đại Nam) đã tiết lộ câu chuyện xung quanh con trai bà vướng vào tệ nạn cá độ.

Từ tệ nạn cá độ, con trai bà Hằng dẫn đến việc vay tiền xã hội đen với lãi suất cao. Với bài viết của mình, bà cũng muốn cảnh báo các băng nhóm rằng bà sẽ mời công an vào làm  việc nếu tiếp tục lôi kéo con trai bà.

"Kể từ hôm nay, tôi tuyên bố nếu ai giao du với con tôi, rủ rê nó cờ bạc, cho vay theo kiểu xã hội đen thì tôi sẽ mời công an vào cuộc, với bất cứ hình thức nào thì cũng đã vi phạm luật hình sự khi cho vay nặng lãi và tổ chức cờ bạc, chăn dắt con tôi. Dù một đồng tôi cũng sẽ không trả! Tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước những hành vi con tôi gây ra bởi vì nó đã 29 tuổi", bà Hằng viết.

Người con trai mà bà Hằng nhắc tới hiện đang làm tại một công ty xử lý nước thải. Người con này âm thầm chơi cá độ bóng đá, sau đó vay tiền bạn bè bà Hằng. Cuối cùng, con bà Hằng đã dính vào xã hội đen và mỗi khi không có tiền "chung độ" sẽ phải "vay nóng". Theo tính toán, mức lãi suất của những lần vay đó lên đến 200%/tháng.

Chính vì thế, bà mong muốn những người đang quan hệ với con bà qua hình thức cho vay, chăn dắt sẽ dừng lại trước khi pháp luật can thiệp.

Ở một bài viết sau đó, bà Hằng cũng phân biệt rõ hai nhóm "giang hồ" với cách thức kiếm tiền từ cho vay khác nhau: Nhóm cho vay tín chấp và nhóm "giang hồ trí thức".

Với nhóm "giang hồ trí thức", đây là nhóm cho vay bằng hợp đồng được pháp luật bảo hộ. 

"Họ cho vay với hình thức làm hợp đồng giả cách, sau đó cướp luôn tài sản. Loại này rất nhiều, nhưng thường thì người trong cuộc sẽ chọn ngậm đắng nuốt cay mà buông tay bỏ của", bà Hằng phân tích. 

Đối tượng mà nhóm này hợp tác, theo bà chủ Đại Nam, đều là những người có tên tuổi. Chính vì việc sợ vướng phải tai tiếng xấu nên những người này buộc phải thỏa hiệp, sau cùng mất đi tài sản, thương hiệu.

Trong khi đó, với nhóm cho vay tín chấp (dựa trên uy tín) phổ biến hơn. Các đối tượng cho vay thường lựa chọn gia đình có tài sản, nhà cửa để cho vay. 

Bà chủ KDL Đại Nam kể chuyện con trai vướng vào cá độ, chỉ ra hai loại 'giang hồ' chuyên cho vay để chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty CP Đại Nam (Ảnh: FBNV).

"Thứ nhất là thông qua hình thức cá độ. Thứ hai là thông qua hình thức cho vay tiền trực tiếp. Một triệu đồng vay nóng, từ 20.000 đến 30.000 đồng tiền lời", bà Hằng nói.

Khi số tiền lãi lên đến đỉnh điểm, chủ nhân khoản nợ này sẽ xuất hiện, uy hiếp con bạc phải giao nhà, giao xe. Nếu không, các con bạc sẽ phải về nhà và nhờ người thân trả hộ. Bà kể rằng có nhiều gia đình vì sĩ diện, đã trả hộ hết lần này đến lần khác. 

Thậm chí, có trường hợp hai vợ chồng chủ nợ sống trực tiếp trong nhà con nợ để đòi tiền. Những nhóm đó thậm chí còn có thể sử dụng những trò khủng bố, tạt sơn vào nhà, khoá cửa nhốt hết người nhà trong nhà nhằm uy hiếp tinh thần của gia đình, với mục đích cuối cùng là siết nhà hoặc đòi tiền.

Sau khi đạt đươc mục đích, những đối tượng cho vay sẽ có nhiều chiêu trò để tiếp tục lôi kéo người chơi vào một guồng mới. 

"Bọn chúng cho vay món nợ khác, không hề cần bất cứ một sự cân nhắc nào để cho người khác quay đầu. Mà phải truy thu cùng kiệt, biến cho nạn nhân đi vay mượn khắp cùng, trở thành kẻ lừa đảo, trộm cướp, thậm chí giết người để có tiền phục vụ cho cảm xúc cờ bạc và phục vụ cho những cuộc chơi mà đã lỡ dấn thân vào", bà Hằng nói.

Bà Nguyễn Phương Hằng, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, từng là Việt kiều Canada từ năm 16 tuổi. Năm 2010, bà tổ chức lễ cưới với ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi"), chủ Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam). Hiện bà nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty.

Mây Đỏ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.