|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ông Dũng 'Lò Vôi' muốn xây dự án bất động sản hơn 100 ha

07:30 | 11/06/2018
Chia sẻ
Đề nghị triển khai dự án nhà để ở của Đại Nam theo Bộ Tài nguyên & Môi trường là chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương.  

UBND tỉnh Bình Dương vừa có đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam do Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư tại Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dự án có mục tiêu xây dựng nhà để ở với diện tích sử dụng hơn 105,8 ha.

Khu đất trên trước đây là phần diện tích của Khu công nghiệp Sóng Thần 3 nhưng nay đã được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, phúc đáp công văn ngày 6/4/2018 của Bộ Xây dựng về đề nghị này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng nhu cầu sử dụng đất của dự án không có trong danh mục thuộc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ xét duyệt. Cũng theo cơ quan này, dự án chưa được làm rõ sự phù hợp với phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của địa phương.

“Dự án chỉ được thực hiện sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc sử dụng đất để thực hiện dự án phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai”, Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo cơ quan này, để xem xét đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam cần đánh giá cụ thể khả năng đảm bảo cấp nước của Nhà máy nước Tân Hiệp cho dự án và đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của dự án vào trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Sóng Thần 3. Trong trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì Bộ cũng nhấn mạnh đây là dự án có quy mô nằm trong nhóm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, cơ quan này cho biết chủ dự án phải thực hiện lập và gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt.

Công ty cổ phần Đại Nam được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Công ty do ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng “Lò Vôi”) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Nguyễn Hà

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.