|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Áp lực lạm phát nhập khẩu đè nặng lên người dân Trung Quốc: Từ cà phê, dầu thô đến mỹ phẩm

10:10 | 25/02/2022
Chia sẻ
Việc các chuỗi cà phê lớn như Starbucks và Luckin tăng giá đã thổi bùng làn sóng phản đối trên mạng xã hội, cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã nhạy cảm hơn với áp lực lạm phát trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Áp lực lạm phát nhập khẩu đè nặng lên người dân Trung Quốc: Từ cà phê, dầu thô đến mỹ phẩm - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng Weibo để phàn nàn về giá cà phê tăng. (Ảnh minh họa: Felix Wong/SCMP)

Theo báo South China Morning Post (SCMP), trong khi người tiêu dùng Mỹ từ New York tới San Francisco đang nhấm nháp những ly cà phê đắt nhất trong thập kỷ, tầng lớp trung lưu Trung Quốc nhận thấy giá hạt cà phê tăng cao có vị đắng ngắt.

Nhân viên văn phòng ở những thành phố lớn, những người quen với thói quen ăn uống từ phương Tây, đã biến Trung Quốc trở thành thị trường cà phê phát triển nhanh bậc nhất. Giờ đây, những người này lại đang than thở về chi phí cho mỗi lần hội họp với bạn bè hay đối tác trong quán cà phê.

Những lời phàn nàn đang vang vọng khắp không gian mạng Trung Quốc. Thứ Tư tuần trước (16/2), giá cà phê tăng cao là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên Weibo – mạng xã hội với hơn 500 triệu người dùng. Dữ liệu cho thấy các bài đăng trên Weibo về giá cả tăng đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem.

Sự phàn nàn chủ yếu hướng đến những chuỗi cà phê lớn, trong đó có cả Starbucks. Tại Bắc Kinh, sau quyết định tăng giá 7,1%, một cốc Americano cỡ lớn giờ đây có giá 30 Nhân dân tệ (108.000 đồng). Đối thủ của Starbucks, như Tim Hortons và thương hiệu nội địa Luckin Coffee cũng bị chỉ trích vì tăng giá.

Một người dùng viết: "Trái ngược với sự leo thang giá của thực phẩm, nhà ở và đi lại thì tiền lương lại giảm… Là một người làm công ăn lương, tôi không thấy có chút hy vọng nào".

Các nhà phân tích nói rằng, làn sóng phản đối là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên nhạy cảm hơn với lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc đẩy lạm phát ra toàn cầu bằng việc xuất khẩu lượng hàng hóa tiêu dùng khổng lồ, giờ đây đất nước tỷ dân này có thể phải đối mặt với lạm phát do nhập khẩu.

Khoảng một nửa nhu cầu về hạt cà phê của Trung Quốc được đáp ứng thông qua nhập khẩu. Mức giá của cà phê nhập khẩu phần lớn do thị trường quốc tế quyết định.

Áp lực lạm phát nhập khẩu đè nặng lên người dân Trung Quốc: Từ cà phê, dầu thô đến mỹ phẩm - Ảnh 2.

Trong 12 tháng qua, giá hợp đồng tương lai của cà phê Arabica trên Sàn giao dịch hàng hóa quốc tế New York đã tăng từ 1,33 USD/pound lên mức 2,58 USD/pound vào ngày 9/2/2021, cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Giá tổng hợp của Tổ chức Cà phê thế giới, có trụ sở tại London cũng đạt mức kỷ lục 2,1967 USD/pound vào ngày 9/2, sau đó giảm xuống 2,1418 USD/pound vào ngày 18/2.

Theo SCMP, giá cả tăng cao phản ánh những vấn đề trong chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu như: thời tiết xấu, gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID và giá lao động tăng cao. Trong bài trả lời truyền thông Trung Quốc, Starbucks và Luckin cho biết giá được tăng lên sau khi "cân nhắc tổng thể về chi phí và tình trạng thị trường".

Các nhà lập pháp Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về lạm phát. Trong bối cảnh những biện pháp kích thích chưa từng có được đưa ra để chống lại đại dịch, các nền kinh tế lớn khác đã chịu tổn thất nặng nề. Ở Mỹ, lạm phát đạt mức kỷ lục trong vòng 40 năm là 7,5%. Trong khi đó, Anh hứng chịu mức lạm phát 5,5% - cao nhất trong vòng 30 năm.

Mặc dù cà phê không được tính vào giỏ hàng hóa của người tiêu dùng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai này đã chịu áp lực lớn từ việc tăng giá của hàng hóa như dầu thô và quăng sắt. Những hàng tiêu dùng như điện thoại, trang sức và mỹ phẩm cũng có mức tăng tương tự.

Theo số liệu hải quan, vào năm 2021, nhập khẩu của Trung Quốc tăng tới 30,1% so với cùng kì năm trước, đạt kim ngạch 2,69 nghìn tỷ USD. Năm ngoái, nhập khẩu hàng nông sản tăng 28,6%, đạt kim ngạch 170,8 tỷ USD.

Trong khi đó, chênh lệch giữa giá tiêu dùng và giá sản xuất khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất Trung Quốc suy giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: "Chắc chắn sẽ có lạm phát nhập khẩu từ hoạt động buôn bán dầu thô. Tuy nhiên, do giá dầu thô đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, nên dư địa để tăng thêm sẽ không quá lớn".

Ông Ding dự tính rằng trong năm 2022, giá tiêu dùng sẽ tăng lên 2,2%, đánh dấu mức tăng mạnh so với con số 0,9% của năm ngoái. Theo ông, mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm ở mức 3% là không cần thay đổi.

Ông Ding nói: "Do những nỗ lực của chính phủ trong thúc đẩy nhu cầu trong nước, chuyển đổi từ giá sản xuất sang giá tiêu dùng sẽ tăng lên."

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 của Trung Quốc đã tăng 0,9% nếu so với tháng 1/2021, thấp hơn mức tăng 1,5% trong tháng 12. So với tháng liền trước, CPI tháng 1 tăng 1%.

Cũng trong tháng 1, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng lên mức 9,1%, giảm so với con số 10,3% của tháng 12 và là mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Áp lực lạm phát nhập khẩu đè nặng lên người dân Trung Quốc: Từ cà phê, dầu thô đến mỹ phẩm - Ảnh 4.

Ông Zhao Wei, nhà kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán Sinolink, cho rằng sự khác biệt giữa lạm phát của Trung Quốc và Mỹ là do thành phần CPI và các biện pháp kích thích.

Trong khi năng lượng và nhà ở chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cách tính lạm phát của Mỹ, thì giỏ hàng hóa của Trung Quốc lại giành đến 28% cho thực phẩm, thuốc lá và rượu.

Tổng Cục thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ riêng việc giá một loại thực phẩm quan trọng là thịt lợn giảm 41,6% vào tháng 1 khiến CPI giảm 0,96 điểm %.

Ông Zhao cũng lưu ý rằng việc tiêu thụ các dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc nhiều đang bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh Trung Quốc bùng phát đại dịch. Ông viết trong một chuyên mục do Trung Quốc Tân Văn xã thực hiện hôm thứ Sáu: "Sự phục hồi của tiêu dùng hộ gia đình còn chậm."

Ở Mỹ, các khoản trợ cấp tiền mặt được chính quyền Joe Biden mở rộng, làm tăng cầu nhưng lại gây trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, mở rộng trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ thông qua việc giảm thuế và hỗ trợ tài chính.

"Các chính sách của Trung Quốc tương đối hạn chế, tập trung vào bảo vệ sinh kế và sản xuất, trong khi tiêu dùng bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm", ông Zhao đến từ Công ty chứng khoán Sinolink nói.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ được công bố vào đầu tháng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang triển khai chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng. Báo cáo cho biết lạm phát tiêu dùng quốc gia có thể tăng nhẹ nhưng ở trong mức hợp lý, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cùng thực hiện ước tính tương tự, đã cảnh báo rằng họ sẽ điều tra các công ty khai thác than và buôn bán quặng sắt về bất kỳ hành động tăng giá bất thường nào.

Bà Eva Yi, nhà kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán Huatai đã viết trong một lưu ý vào tuần trước: "Trong ngắn hạn, cầu yếu có thể tiếp tục làm giảm lạm phát. Bất chấp những bất ổn địa chính trị và giá dầu thô, sẽ không có quá nhiều tác nhân thúc đẩy giá cả".

"Ổn định kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chính sách tiền tệ của [Trung Quốc] cần được nới lỏng hơn nữa nhằm bù đắp áp lực giảm giá."

Minh Quang