Áp lực cổ phần hóa dồn vào năm 2019
Nếu theo đúng kế hoạch thì đã có ít nhất 110 doanh nghiệp được CPH trong 2 năm vừa qua, nhưng kết quả đạt được chỉ có 26. Nguyên nhân gây ra sự chậm trễ nêu trên thuộc diện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, toàn bộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH đã được tháo gỡ, nhưng tiến độ CPH vẫn rất chậm. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ cũng được chỉ ra từ lâu và nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo, nào là do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai mà doanh nghiệp đang quản lý sử dụng.
Phải xử lý triệt để được những vấn đề này, thì năm 2019 mới đẩy nhanh được tiến trình CPH, nếu không áp lực sẽ chuyển sang năm 2020. Thậm chí, nguy cơ không hoàn thành mục tiêu CPH 127 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020 (chưa kể số đơn vị chưa chuyển đổi giai đoạn trước chuyển sang) rất lớn nếu không xử lý triệt để các nguyên nhân kể trên.
Ngoài vướng mắc về đất đai, còn lại đều là nguyên chủ quan của người đứng đầu. Nhiều năm trước, lãnh đạo Chính phủ đã tuyên bố “ai không làm xin mời đứng sang một bên” với ngụ ý sẽ xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác những người đứng đầu gây ra sự chậm trễ. Nhưng thưa ông, đến bây giờ chưa thấy trường hợp nào bị xử lý?
Nguyên tắc là vậy, nhưng Bộ Tài chính không có thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm trễ trong CPH, thoái vốn ngoài quyền… kiến nghị.
Kiến nghị là một chuyện, xử lý thế nào lại do các bộ, ngành, địa phương thực hiện. CPH là cả quá trình, liên quan đến nhiều khâu, nhiều cơ quan, đơn vị và có cả lý do khách quan, như vướng mắc trong đất đai chẳng hạn, nên xử lý trách nhiệm người đứng đầu rất khó.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) |
Để giải quyết vấn đề này, năm 2019, chúng tôi đề xuất trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán do Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước thực hiện bổ sung nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Những người có trách nhiệm trong CPH, thoái vốn đều là công chức, viên chức, được giao trọng trách quản lý vốn, tài sản nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; được giao nhiệm vụ thoái vốn, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, nếu không hoàn thành, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước có kết luận, kiến nghị thì cứ “y án mà thực hiện” vì kết luận, kiến nghị của 2 cơ quan này có giá trị pháp lý rất cao.
Phải “mạnh tay” xử lý, lỗi đến đâu xử đến đó, “đúng người, đúng tội” thì người ta mới sợ. Còn cứ như hiện nay, muốn xử lý người đứng đầu đơn vị nào, phải lập đoàn thanh tra với đủ mọi thành phần, mất rất nhiều thời gian, công sức và cũng không làm xuể, vì còn rất nhiều doanh nghiệp chậm CPH, thoái vốn, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo đúng quy định.
Nhưng xử lý trách nhiệm người đứng đầu sao được khi tiến trình CPH chậm có nguyên nhân rất lớn là vướng mắc về đất đai?
Đất đai đúng là vấn đề rất phức tạp, vì rất nhiều doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng đất đai, thậm chí quản lý, khai thác, sử dụng rất nhiều mảnh đất ở vị trí đắc địa có giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ đồn, nhưng không hề có giấy tờ.
Đơn cử như trước đây, một ngân hàng thương mại nhà nước hay một tập đoàn, tổng công ty mở chi nhánh, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở địa phương nào đó, vì là doanh nghiệp nhà nước nên lãnh đạo địa phương “cắm” cho mảnh đất ở các trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ làm trụ sở, chi nhánh, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhưng không cấp cho bất cứ giấy tờ, hợp đồng, hồ sơ, tài liệu liên quan đến mảnh đất. Vì cả doanh nghiệp lẫn lãnh đạo địa phương ai cũng nghĩ, doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất nhà nước có mất đi đâu mà phải cần giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng. Nhưng khi đã chuyển đổi sở hữu, không còn là doanh nghiệp nhà nước, thì phải làm hồ sơ, đo đạc bản đồ địa chính… và cấp quyền sử dụng đất nên vô cùng phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bởi mảnh đất đó còn tiêp giáp với nhiều mảnh đất khác nhau, có hồ sơ pháp lý khác nhau.
Mặc dù xử lý vấn đề đất đai đúng là phức tạp, nhưng không phải là nguyên nhân cản trở tiến trình CPH. Vì theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất thuộc phạm vi quản lý.
Trong phương án xử lý đất đai, doanh nghiệp phải thống kê cụ thể có bao nhiêu đất đai, diện tích thế nào, nằm ở đâu, sử dụng vào mục đích gì, hồ sơ pháp lý ra sao… mảnh đất nào hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ thì phải hoàn thiện, nếu không có thì phải trả lại Nhà nước; mảnh đất nào sử dụng chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, không đúng mục đích sử dụng thì phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác. Khi đã có phương án xử lý đất đai thì khâu tiến hành CPH rất nhanh. Ngược lại đợi đến khi tiến hành CPH mới lập phương án xử lý đất đai thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Doanh nghiệp quy mô lớn, có nhiều chi nhánh, đơn vị, công ty trực thuộc ở khắp các địa phương nên phương án xử lý đất đai vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty đề nghị lùi thời hạn CPH. Ông nghĩ sao?
Các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chủ động lên danh sách đơn vị trực thuộc CPH, trong quá trình lập phương án đã rà soát, đã tính toán, cân nhắc rất kỹ đơn vị nào có thể làm được. Tức là đã chủ động lập danh sách, chủ động đưa ra lộ trình, chủ động dăng ký tiến độ thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký. Giờ không làm được với bất cứ lý do gì thì phải giải trình và phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Như tôi đã nói, theo quy định, tất cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn bắt buộc phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó có đất đai để bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Nếu không làm, thì Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ vào thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ kiến nghị xử lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý trách nhiệm đối với công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.
Cũng theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH, nếu UBND cấp tỉnh dây dưa, trì hoãn, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước sẽ có ý kiến về vấn đề này với cơ quan có thẩm quyền. Quy định này sẽ chấm dứt được tình trạng các địa phương có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian, điều chỉnh tiến độ CPH; một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
Trong trường hợp tất cả các vướng mắc kể trên được xử lý thì năm 2019 cũng khó hoàn thành tiến độ CPH và thoái vốn vì khối lượng còn lại quá nhiều, thưa ông?
CPH, thoái vốn cần tập trung vào chất lượng không chạy theo số lượng. Song không vì thế mà chần chừ, sẽ ảnh hưởng đến tiến trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, vấn đề xử lý đất đai, tài sản, người đứng đầu năm 2019 sẽ làm quyết liệt. Bên cạnh đó, giải pháp được tính đến là các doanh nghiệp trong kế hoạch thoái vốn, CPH nếu thấy “khó nhằn”, khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ, các bộ ngành, địa phương phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
SCIC là tổ chức có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chức năng, nhiệm vụ trong việc CPH, thoái vốn. Khi bàn giao các doanh nghiệp có nguy cơ không thể thực hiện theo đúng tiến độ về SCIC để tổ chức này thực hiện. Nếu bộ ngành, địa phương nào vẫn muốn “ôm”, thì phải hoàn thành, không nói nhiều, không hoãn, dãn tiến độ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/