Cổ phần hóa và chuyện thu hồi tài sản nhà nước
Sân vận động Chi Lăng - khu đất mà chính quyền Đà Nẵng đề xuất được thu hồi. Ảnh: T.L |
Nhưng việc bán tài sản nhà nước - thông qua quá trình “tư nhân hóa” ở nhiều nước hay “cổ phần hóa” ở Việt Nam - mang đến một hệ quả không mong muốn, đó là nguy cơ thất thoát tài sản trên quy mô lớn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ở nước Nga hình thành tầng lớp những nhà tư bản mới, giàu lên nhanh chóng bằng cách mua lại DNNN với giá rẻ mạt. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, người mua được 78% cổ phần tại công ty dầu mỏ Yukos vào năm 1995 - vốn có giá trị 5 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm đó - với chỉ 310 triệu đô la Mỹ, thông qua cơ chế “đổi vốn lấy cổ phần”. Cơ chế này cho phép ngân hàng thương mại “cho mượn” cổ phần của các DNNN để đổi lấy khoản tiền vay cho ngân sách. Quá trình đấu giá cổ phiếu không có cạnh tranh và được thiết kế để một nhóm nhỏ những cá nhân có quan hệ chính trị tốt giành phần thắng với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Boris Berezovsky và Roman Abramovich, hai nhà tài phiệt khét tiếng khác, cũng đã sở hữu được Sibneft - trị giá 3 tỉ đô la Mỹ - với 100 triệu đô la Mỹ cũng bằng cách tương tự.
Việc bán tài sản nhà nước - đặc biệt là cổ phần hóa - ở Việt Nam diễn ra thận trọng hơn, và kéo dài từ những năm 1990 cho đến nay. Tuy vậy, khi tiến trình này được đẩy mạnh trong nỗ lực nâng cao hiệu quả của DNNN và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đã có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng. Cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua đã đưa ra ánh sáng nhiều câu chuyện bất minh liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản nhà nước có giá trị. Trong những vụ việc nổi bật phải kể đến việc thôn tính “đất vàng” ở Đà Nẵng và TPHCM trong vụ án Vũ “nhôm”, nghi vấn trong vụ mua lại AVG của Mobifone, hay hợp đồng mua bán 32 héc ta đất ở Phước Kiển (TPHCM) bất thành. Và nếu quá trình “hồi tố” được tiếp tục, chắc chắn danh sách nghi án sẽ còn kéo dài, khi không ít trường hợp cổ phần hóa trong thời gian qua bị đặt dấu hỏi.
Việc thu hồi tài sản nhà nước chỉ có thể khả thi khi xác định được vi phạm từ bên bán và bên mua hoặc cả hai, theo các quy định cụ thể của pháp luật và phải do tòa án quyết định. |
Vấn đề lớn nhất mà Nhà nước đang gặp phải là việc khắc phục hậu quả các sai phạm. Trong hai trường hợp được nêu ở trên, việc thu hồi tài sản diễn ra dễ dàng hơn khi bên bán (đại diện cho Nhà nước) và bên mua (doanh nghiệp tư nhân) tự nguyện hủy bỏ hợp đồng sai khi có kết luận của các cơ quan thanh tra. Nhưng đây rõ ràng là những ví dụ đặc thù: ít có bên mua nào chấp nhận chịu thiệt trong mối quan hệ dân sự như thế, trừ khi chịu sức ép rất lớn, nếu họ cho là mình đúng. Điều này không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế. Khi hủy hợp đồng đã ký kết, uy tín của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại: thoái lui đồng nghĩa với việc thừa nhận doanh nghiệp làm sai hay có những hoạt động kinh doanh mập mờ, thiếu minh bạch.
Nếu bên mua từ chối thỏa thuận, Nhà nước, với quyền lực cưỡng chế của mình, hoàn toàn có thể tạo áp lực buộc họ phải hoàn trả tài sản. Tuy nhiên, biện pháp này có ba rủi ro lớn. Thứ nhất, Nhà nước sẽ bị coi là “ỷ mạnh hiếp yếu”, can thiệp quá tay vào giao dịch dân sự nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang vận động các nước khác thừa nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, lựa chọn này sẽ lợi bất cập hại. Thứ hai, khi tạo sức ép với doanh nghiệp - đặc biệt là những công ty nước ngoài - khả năng Nhà nước vướng vào những vụ kiện dân sự kéo dài là rất lớn. Thứ ba, việc lạm dụng quyền lực nhà nước sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN. Ngay cả chính những người chịu trách nhiệm cổ phần hóa cũng sẽ không mặn mà, bởi nỗi sợ mắc sai phạm và bị xử lý. Không phải ngẫu nhiên mà tiến trình cổ phần hóa có phần chững lại: chỉ có 11 DNNN được cổ phần hóa so với mục tiêu đề ra là 85 trong cả năm qua, tính đến hết tháng 9-2018.
Vì những lý do đó, việc thu hồi tài sản nhà nước chỉ có thể khả thi khi xác định được vi phạm từ bên bán và bên mua hoặc cả hai, theo các quy định cụ thể của pháp luật. Khi đó, việc xử lý vấn đề liên quan đến tài sản nhà nước sẽ phải do tòa án quyết định. Quá trình này, tất nhiên, không đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ chắc chắn thu hồi lại tài sản đã bán. Khi tham gia vào hoạt động kinh tế, Nhà nước phải tham gia cuộc chơi như các chủ thể kinh tế khác: tuân theo nguyên tắc thuận mua vừa bán và được bình đẳng về quyền lợi trước pháp luật. Quyết định kinh doanh trong nền kinh tế thị trường luôn hàm chứa rủi ro, bên bán không thể “đòi lại” tài sản khi thấy mình bán hớ hoặc do giá trị tài sản đó tăng lên chóng mặt sau khi chuyển nhượng.
Chính vì thế, có thể trong một số trường hợp, Nhà nước cần chấp nhận phần “thiệt” về mình. Phải thừa nhận rằng sau 30 năm phá bỏ tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cổ phần hóa DNNN vẫn được làm theo kiểu “ném đá dò đường”. Hành trình đó không tránh khỏi sai sót, và những mất mát gặp phải có thể coi là một loại học phí đắt đỏ cho những nhà quản trị.