Nhập nhằng ở những công ty có lợi thế đất đai
TP HCM trị 6 'công thức' sai phạm đất đai | |
Truy thu gần 2.300 tỷ từ giao dịch liên kết 'nhập nhằng' |
Vinasport sở hữu nhiều diện tích đất với vị trí đẹp. |
Rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần có vốn điều lệ rất khiêm tốn, chỉ vài tỷ đồng đến 10 - 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ mỏng, hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ lại là lợi thế lớn trong việc sử dụng quỹ đất có giá trị dưới hình thức đất thuê của Nhà nước.
Chẳng hạn, trường hợp của Công ty cổ phần (CTCP) Nước và môi trường Việt Nam (Viwase), khi cổ phần hóa, vốn điều lệ Công ty chỉ 21 tỷ đồng, nhưng sở hữu khu đất 650 m2 mặt tiền phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều khu đất lớn khác có vị trí đắc địa tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…
Hay CTCP Quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad, khi cổ phần hóa năm 2005, trụ sở Công ty là tòa nhà văn phòng nằm trên diện tích đất 314,5m2, diện tích sàn khoảng 1.500 m2 tại số 9 Đinh Lễ (Hà Nội) và Chi nhánh TP.HCM tại số 51 Đồng Khởi.
Hoặc trường hợp một công ty thuộc Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, chỉ có vốn điều lệ 5 tỷ đồng nhưng sở hữu hàng nghìn mét vuông đất tại phố Láng Hạ (Hà Nội).
Do vốn điều lệ nhỏ, sở hữu quỹ đất sạch, các công ty này thường là mục tiêu thâu tóm của doanh nghiệp khác nhằm mục tiêu chuyển đổi quỹ đất để thực hiện các dự án, công trình có giá trị hơn. Quá trình này thường xảy ra nhiều xung đột, tranh chấp.
Như trường hợp Vinexad muốn bán trụ sở tại số 9 Đinh Lễ nhưng cổ đông phản ứng khi Công ty đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT mà không có thông tin về định giá, đấu giá hay giá khởi điểm...
Tương tự, tại Viwase, Công ty có phương án tăng vốn điệu lệ từ 21 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng nhằm đầu tư vào một công ty liên kết. Tuy nhiên, cổ đông phản ứng vì cho rằng phương án tăng vốn không minh bạch, lo ngại đề xuất phân phối quyền mua của Nhà nước cho cán bộ nhân viên thực chất là chiêu bài thâu tóm doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, vụ việc diễn biến nghiêm trọng khi các đương sự bị xem xét trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, vụ việc xảy ra tại CTCP Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) – doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty Thể dục thể thao năm 2005.
Công ty có vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 51,32%. Trong quá trình chuyển đổi, Công ty được UBND TP. Hà Nội cho thuê 16.000 m2 đất tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng để làm xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao.
Sau này, UBND TP. Hà Nội có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành. Do đó, Vinasport lập tờ trình và được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đồng ý chủ trương sử dụng khu đất này để làm dự án trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng.
Với vốn điều lệ chỉ 12,5 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh bình thường, Vinasport không đủ năng lực tài chính và chuyên môn để thực hiện dự án bất động sản với quy mô lớn như vậy. Một số doanh nghiệp khác quan tâm và mong muốn trở thành đối tác với Công ty. Trong quá trình lựa chọn đối tác, người đại diện vốn nhà nước đã có những sai phạm dẫn đến bị khởi tố.
Cụ thể, Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Vina Megastar đã tiếp cận, gặp gỡ Bùi Duy Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Vinasport để nhờ tạo điều kiện cho Công ty Megastar được trúng thầu thực hiện dự án. Hai bên đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án.
Nhưng sau này, Thanh tra Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã kiểm tra và kết luận Nghị quyết HĐQT số 12 của CTCP Thể dục Thể thao không có cơ sở pháp lý, bởi HĐQT Công ty không họp, không ký biên bản. Vì thế hợp đồng nguyên tắc bị hủy bỏ.
Sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, ông Long tìm cách mua gom cổ phần của CTCP Thể dục Thể thao để trở thành cổ đông lớn, ứng cử thành viên HĐQT nhằm tác động quá trình lựa chọn đối tác.
Bùi Duy Nghĩa là người trung gian tìm kiếm nguồn cổ phần cho ông Long. Trong việc mua bán đã xảy ra nhiều nhập nhằng, Bùi Duy Nghĩa đã nhận tiền mua cổ phần từ CTCP Vina Megastar nhưng không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng do người bán không còn cổ phần.
Để lấp liếm, với vị trí Chủ tịch HĐQT, Bùi Duy Nghĩa đã sửa luôn cả sổ cổ đông để tránh né cơ quan chức năng. Trong quá trình đó, Bùi Duy Nghĩa còn nhận ô tô, đồng hồ từ đối tác. Với hành vi như vậy, Bùi Duy Nghĩa đã bị khởi tố điều tra, xét xử sơ thẩm và nhận án 14 năm tù giam.