Sai phạm đất đai như vụ Út trọc, Vũ Nhôm, Thủ Thiêm có sự dung túng của nhiều cán bộ
Vũ ‘nhôm’ đã trả đủ 203 tỉ đồng cho ông Trần Phương Bình |
Thông tin tại hội thảo “Kiểm toán việc quản lý sử sụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” diễn ra sáng nay (6/12), nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Phong và Ths.Nguyễn Trần Minh Trí cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2018 phát hiện liên tiếp hàng loạt vụ vi phạm trong quản lý đất công.
Một trong ba vụ tiêu biểu được các chuyên gia nhắc đến là vụ “cho mượn” hơn 17.000 m2 đất công thuộc Công viên Hoàng Hoa Thám, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, làm sân tập golf, với thời hạn tới 48 năm. Ngoài hiện tượng cho mượn đất công là không phù hợp Ðiều 17 Luật Ðất đai năm 2013, tại Bắc Giang còn có việc cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hay như, hồi tháng 4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường là không dưới 2.000 tỷ đồng.
"Ðáng chú ý là sự thất thoát tài sản công - đất đai không chỉ bởi giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá...", nhóm chuyên gia cho biết.
Trước đó, ngày 7/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Phan Văn Anh Vũ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Ðiều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015 do có dấu hiệu phạm tội trong việc mua, bán nhà, đất công sản tại Ðà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Cũng trong một động thái liên quan, mới đây một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao TP Ðà Nẵng đã và đang bị xem xét xử lý hình sự.
"Ba câu chuyện nóng và tiêu biểu trong nửa đầu năm nay cùng chung một thông điệp: Quản lý đất công đang có quá nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng, chấp hành luật pháp", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phong và Ths.Nguyễn Trần Minh Trí cũng cho rằng, thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề trong kẽ hở và vi phạm quy định quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, thông qua giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của dân.
"Những hành vi đó, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh thị trường lành mạnh. Gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập phản đối đông người, đe dọa làm mất uy tín quản lý nhà nước, tăng bức xúc, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội...", nhóm chuyên gia nhìn nhận.
Nhóm chuyên gia cũng cho rằng: "Cần nhấn mạnh rằng, cho mượn đất công, cho thuê đất quốc phòng để làm nhà hàng, sân golf, hoặc xây chung cư cao tầng và giao đất không qua đấu thầu công khai, minh bạch; lấn chiếm đất công làm của riêng... là những biểu hiện biến tướng nguy hiểm đầy nhức nhối của tham nhũng đất đai".
Đồng thời nhấn mạnh, tham nhũng đất đai, cùng với tham nhũng trong công tác cán bộ, tham nhũng trong đầu tư công và những biểu hiện tham nhũng khác là những kẻ thù nội xâm nguy hiểm, không chỉ trực tiếp làm thất thoát tài sản công và lệch lạc các nguồn lực đầu tư xã hội cần thiết, mà còn làm mất lòng tin vào chế độ, cài cắm những cách nghĩ, hành xử kéo dài hàng thế hệ, gây tổn hại chung cho sự nghiệp và lợi ích quốc gia...
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng nhắc đến những điển hình như vụ việc Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), Vũ “nhôm”, Thủ Thiêm và “điểm mặt” một số sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Đầu tiên phải kể đến là không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích. Điều này thể hiện ở tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai dự án, giao đất không qua đấu giá, chuyển nhượng dự án sai phép… Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích nghiêm trọng nhất là biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật. Đây là sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, một vi phạm điển hình là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như: tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê; thuế sử dụng đất…
Theo TS Vũ Đình Ánh, khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hoá DNNN, trước và sau khi bán tài sản Nhà nước có gắn với đất đai, trước và sau khi giao đất thực hiện dự án theo hình thức BT,... gây thất thoát rất lớn cho NSNN, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân hay một nhóm cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo qui định của Nhà nước với giá trị thực tế trên thị trường, việc định giá đất chưa phù hợp cũng làm méo mó sự vận động của thị trường BĐS, tạo điều kiện nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính đất đai, từ thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đến tính giá trị DNNN khi thực hiện cổ phần hoá hay giá trị đất sử dụng để đổi đất lấy hạ tầng (BT).
Ngoài ra còn có sai phạm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai mà nhiều đại án đang được đưa ra xét xử là minh chứng.
"Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền", ông Ánh cho hay.