Ảnh giả do AI tạo nên: Nguy cơ đối với lịch sử loài người?
Những năm gần đây, phục chế lại những bức ảnh xưa đã không còn là một điều mới lạ. Công nghệ hiện đại và máy tính đã giúp rút ngắn đáng kể công đoạn so với những bức ảnh tô màu thủ công ngày xưa. Và kho tàng dữ liệu phong phú trên mạng Internet cũng khiến những hình ảnh trở nên chân thực hơn.
Bên cạnh đó, những bức ảnh do AI tạo ra cũng từng tạo nên một trào lưu thú vị trên mạng xã hội, khiến người xem kinh ngạc trước độ chân thực của chúng, cũng như sự tiến bộ từng ngày của công nghệ.
Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề có vẻ như nghiêm trọng hơn, đó là sự xuất hiện của những bức ảnh giả do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.
Đó không phải là những bức ảnh được tạo ra với mục đích hài hước mà người xem dễ dàng nhận ra nó là giả, như những nhân vật lịch sử của thế kỷ trước đang chụp ảnh tự sướng bằng iPhone, mà là những hình ảnh được tạo ra với mục đích rõ ràng là đánh lừa mọi người, và chúng giống đến mức có thể dễ dàng coi đó là một bức ảnh lịch sử đích thực.
Nguy cơ sai lệch lịch sử?
Với những công nghệ tiên tiến và một kho dữ liệu lịch sử lớn, AI có thể tạo nên những bức ảnh giả cổ gần như không thể phân biệt được với ảnh thật. Chúng có thể bắt chước kết cấu hạt của nước ảnh, những tiêu điểm mềm, và thậm chí cả những vết ố, rách của những bức ảnh xưa.
Được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, những bức ảnh cảm động về một người mẹ và đứa con đang chết đói trong thời kỳ đại suy thoái, hay những con người trong trang phục cổ xưa, thoạt nhìn có vẻ giống như những tài liệu lịch sử thực sự.
Nhưng thật ra, chúng được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng chúng có thể làm lu mờ quan điểm của chúng ta về quá khứ.
"AI đã gây ra một cơn sóng thần lịch sử giả mạo, đặc biệt là hình ảnh," Jo Hedwig Teeuwisse, một nhà sử học người Hà Lan chuyên bác bỏ những tuyên bố sai sự thật trực tuyến, cho biết. "Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn tạo ra phiên bản AI của một bức ảnh cũ thực sự. Thật kỳ lạ, đặc biệt là khi bản gốc rất nổi tiếng."
Ví dụ như một bức ảnh được chia sẻ trên Facebook cho thấy một cặp thanh niên với mặt tươi tắn tạo dáng trước một chiếc máy bay hai tầng cánh cổ: được cho là Orville và Wilbur Wright vào thời điểm họ thực hiện chuyến bay có động cơ đầu tiên.
Nhưng đó không phải là anh em nhà Wright. Những bức ảnh lưu trữ thực tế từ thời điểm đó cho thấy Orville để ria mép và người anh trai Wilbur cao hơn, đội mũ, trông không giống cặp đôi tóc vàng trong bức ảnh với tông màu nâu cổ kính đó.
Trong số những hình ảnh được tạo bằng Midjourney, một trình tạo hình ảnh trực tuyến AI phổ biến, có một loạt các bản sao giả mô tả khoảnh khắc khi nghi phạm ám sát tổng thống John F. Kennedy, Lee Harvey Oswald, bị Jack Ruby bắn chết vào năm 1963.
"Họ thường tập trung vào các sự kiện quá xưa để có thể chụp ảnh hoặc những sự kiện ít được ghi chép," Marina Amaral, một nghệ sỹ chuyên phục chế ảnh đen trắng thành ảnh màu, cho biết.
"Điều này tạo ra nguy cơ hình ảnh sai lệch được chấp nhận là sự thật, theo thời gian, có thể bóp méo sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử và làm suy yếu niềm tin của công chúng vào bằng chứng trực quan như một nguồn đáng tin cậy để tìm hiểu về quá khứ,” cô nói thêm.
Marina Amaral kể rằng cô từng thấy 2 tài khoản Instagram đang chia sẻ những bức ảnh lịch sử giả mạo này với những lời chú thích bịa đặt. Và bức ảnh gần nhất đã có tới 5.000 lượt thích. Con số này không phản ánh rằng có 5.000 người đã bị lừa. Có những người chỉ đơn giản là lướt qua và bấm thích dù không thực sự quan tâm, có người biết bức ảnh là giả nhưng vẫn đánh giá cao nó về mặt nghệ thuật.
Nhưng dù chúng ta lạc quan cho rằng chỉ một phần nhỏ trong số 5.000 người này thực sự bị lừa đi chăng nữa, thì vẫn là còn có một số lượng đáng kể những người đã tiếp xúc với một thông tin sai lệch được “ngụy trang” thành một sự thật lịch sử.
Và đó chỉ là một bài đăng trên một nền tảng mạng xã hội. Nếu nhân con số đó với vô số tài khoản mạng xã hội hay website, có thể thấy vấn đề đã lên một tầm quy mô lớn. Càng nhiều hình ảnh giả mạo này được lan truyền, người ta sẽ càng khó phân biệt được đâu là sự thật, đâu là hư cấu. Mỗi bài đăng hay chia sẻ mới lại bóp méo một chút sự thật, cho đến khi chúng ta có một phiên bản hoàn toàn khác biệt.
Mục đích thực sự sau những bức ảnh giả
Vấn đề được đặt ra ở đây là những hình ảnh này được tạo ra để phục vụ cho mục đích gì? Trước đây, kỹ thuật số đã đưa ra một cách nhìn đặc biệt về những bức ảnh được công nghệ tạo ra. Đó là những con người do AI tạo ra không tồn tại, họ chưa từng tồn tại và sẽ không bao giờ tồn tại ngoại trừ không gian kỹ thuật số.
Do đó, những con người được mô tả trong bức ảnh chưa từng sống và không bao giờ chết. Họ không thuộc về một dòng thời gian nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Như vậy về lâu dài, liệu những thế hệ tương lai có lưu trữ những bức ảnh giả mạo này dưới vai trò ảnh lịch sử không? Liệu các nhà sử học trong tương lai có thực sự nhầm tưởng rằng đây là những hình ảnh mô tả về lễ phục, điệu nhảy hay những nghi lễ này là do các bộ lạc thật sự thực hiện? Và liệu nó có tác động thế nào đến những ghi chép thật sự về lịch sử và di sản ngày nay?
Nguy cơ thay đổi một lịch sử hàng trăm năm trước sẽ khó xảy ra. Bởi rất nhiều tư liệu thật đã được lưu trữ trong bộ nhớ, kho dữ liệu để có thể so sánh, đối chiếu. Tuy nhiên, nguy cơ sai lệch lại có thể bắt đầu từ thời điểm ảnh AI ra đời.
Về lâu dài, chính những bức ảnh do AI tạo ra đó sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, kết hợp để tạo ra những hình ảnh mới, và sẽ tạo nên một dòng thời gian và không gian hoàn toàn riêng biệt của AI, một dòng thời gian và không gian hoàn toàn không có thật.
Và đó là lúc lịch sử có thể bị sai lệch, thậm chí bóp méo. Đặc biệt khi những kho dữ liệu số cũ đang dần trở nên lỗi thời về công nghệ. "Tài liệu kỹ thuật số bao gồm các tài liệu lịch sử quan trọng có thể bị mất mãi mãi vì các chương trình để xem chúng sẽ không còn tồn tại nữa," Phó chủ tịch Google Vint Cerf đã nói vào năm 2015.
Chỉ đơn giản là một bước tiến của công nghệ?
Các chuyên gia và các nhà quản lý đều ý thức được mối nguy hại này và vẫn đang nỗ lực tìm biện pháp giúp phân biệt ảnh thật và ảnh do AI tạo ra.
Nhiếp ảnh gia người Áo Markus Hofstaetter gần đây đã đề xuất rằng tất cả các hình ảnh Ai đều có hình mờ kỹ thuật số được tích hợp vào tệp kỹ thuật số giúp dễ dàng xác định hình ảnh do máy tính tạo ra và hình ảnh thực tế. Chúng ta cũng có thể phát triển các chương trình AI phát hiện sự hiện diện của hình ảnh do AI tạo ra, điều này sẽ ngăn cản hình ảnh do AI tạo ra xâm chiếm tin tức của chúng ta.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có lẽ đây chỉ đơn giản là một bước tiến của công nghệ, mà những cái mới thường khiến con người lo ngại khi mới ra đời.
Trước đó, năm 1987, Photoshop ra đời khiến nhiều người lo ngại rằng nó sẽ làm mất tính hợp pháp của nhiếp ảnh khi chỉnh sửa những bức ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, trải qua thời gian, Photoshop đã dần trở thành một công cụ quen thuộc không thể thiếu với những người làm công việc liên quan đến hình ảnh.
Xa xưa hơn nữa, họa sỹ người Pháp Paul Delaroche (1797-1854) khi nhìn thấy bức ảnh chụp chân dung con người theo hình thức daguerreotype (một kỹ thuật chụp ảnh thời sơ khai) vào năm 1839, được cho là đã thốt lên rằng 'Từ hôm nay, hội họa đã chết!' Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, hội họa và nhiếp ảnh vẫn sóng đôi nhau trong đời sống tinh thần của con người, và những tác phẩm hội họa nổi tiếng còn có giá trị vượt trội so với các bức ảnh chụp.
Các nghệ sỹ đã và sẽ luôn ngạc nhiên và cảm thấy bị thách thức trước những tiến bộ của công nghệ khi áp dụng vào nghệ thuật cụ thể của họ, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phát triển vì thực tế là mọi thứ đều thay đổi.
Sự hỗn loạn do AI. gây ra cho cộng đồng sáng tạo có thể cuối cùng cũng sẽ lắng xuống thông qua quá trình đồng hóa, nội tâm hóa và cuối cùng là được kiểm soát, và có thể sẽ đưa nhân loại tiến thêm một bước trên con đường chinh phục nghệ thuật.
Phát hiện hình ảnh giả
Hiện tại, Amaral và Teeuwissen tin rằng họ vẫn có thể phân biệt được hình ảnh lịch sử giả với hình ảnh thật chỉ bằng cách nhìn vào chúng.
Ảnh do AI tạo ra thường có lỗi: quá nhiều ngón tay trên một bàn tay, thiếu chi tiết - chẳng hạn như máy bay của anh em nhà Wright không có cánh quạt - hoặc ngược lại, bố cục quá hoàn hảo.
"Ảnh do AI tạo ra có thể tái tạo diện mạo, nhưng chúng lại thiếu yếu tố con người, mục đích, lý do đằng sau lựa chọn của nhiếp ảnh gia," Amaral cho biết. "Chúng có thể thuyết phục về mặt hình ảnh, nhưng cuối cùng lại rỗng tuếch."
Đối với Teeuwissen, "ảnh thật do người thật chụp và thường có chi tiết gì đó không rõ nét, hoặc ai đó trông khá kỳ cục, hay có lớp trang điểm không đẹp…" Trong khi ảnh do AI tạo ra thường hoàn hảo từng chi tiết.
Nhưng bà cho rằng đây "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi chất lượng hình ảnh AI khiến hàng giả khó phát hiện bằng mắt thường, và đây một viễn cảnh "nguy hiểm," bà nói, bởi nó sẽ khuếch đại thông tin sai lệch.