|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ăn xin trên TikTok

13:19 | 01/02/2023
Chia sẻ
Các nhóm ăn xin đã chuyển hoạt động lên trực tuyến bằng cách đổi quà tặng từ người xem ra tiền mặt.

Ăn xin trên đường phố giờ đây đã được nâng tầm sang thế giới kỹ thuật số khi một nhóm người già ở Indonesia sử dụng TikTok để xin những món quà ảo có thể đổi thành tiền mặt, theo tờ South China Morning Post.

Trong tháng vừa qua, người dùng mạng xã hội ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã choáng váng trước số lượng người ăn xin trực tuyến ngày càng tăng, những người lợi dụng các tính năng tặng quà do TikTok cung cấp.

Nền tảng chia sẻ video ngắn này cho phép bất kỳ tài khoản nào có ít nhất 1.000 người theo dõi có thể quay video phát trực tiếp và người xem có thể thể hiện sự đánh giá cao bằng cách gửi những món quà ảo có khả năng chuyển đổi thành tiền thật.

Kiếm quà ảo để đổi tiền thật

Không giống như ngoài đời thực, nơi những người ăn xin phải ngồi hàng giờ dưới cái nóng như thiêu đốt hoặc đi lang thang khắp nơi để xin tiền, nhiều người trong số những người ăn xin TikTok hiện đại này – chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi – chỉ cần ngồi một chỗ và đổ nước bẩn lên người theo yêu cầu từ phía người xem để đổi lấy những món quà ảo.

Một đoạn video phát trực tiếp về cái gọi là “tắm bùn” này có thể kéo dài hàng giờ. Sau khi một video đầu tiên như vậy được lan truyền, nhiều người dùng TikTok đã tự hỏi liệu những người này bị ép buộc hay tự nguyện làm vậy.

“Người phụ nữ trông có vẻ thực sự bị ép buộc phải làm điều đó. Thật tội nghiệp cho cô ấy”, một người dùng TikTok, nói.

Những người phụ nữ mặc quần áo đầy đủ thay phiên nhau dầm mình trong một bồn tắm bẩn thỉu tạm bợ, được phát trực tiếp đồng thời dưới một tài khoản TikTok, thuộc sở hữu của người hàng xóm Sultan Akhyar. Tài khoản của anh này hiện đã bị xóa theo yêu cầu từ Bộ thông tin và truyền thông Indonesia.

 Ảnh chụp màn hình đoạn quay trực tiếp được phát trên TikTok. (Nguồn: SCMP).

Các video đã vấp phải phản ứng dữ dội ở Indonesia, quốc gia có người dùng TikTok lớn thứ hai thế giới, sau với 99,1 triệu người.

Anh Sultan cho biết vào ngày 19/1 rằng đây lần đầu tiên anh tắm bùn với bạn bè là để kiếm một số tiền từ những người theo dõi trên TikTok. Những người hàng xóm của anh ấy sau đó đã đề nghị tham gia, “vì họ nghèo và vướng vào nợ nần”, anh ấy nói.

Ban đầu, anh giới hạn thời gian phát trực tiếp trong một giờ, nhưng sau đó lại thay đổi vì có quá nhiều người xem và quà tặng vẫn tiếp tục được gửi đến. Có những lúc, anh ấy thậm chí cón phát trực tiếp trong vòng 24h không nghỉ.

Một trong những người phụ nữ là nhân vật trong đoạn video, bà aimin, cho biết bản thân tự nguyện làm vậy vì cần tiền. “Tôi nghèo, không có tiền mua hàng hoá, tôi sống một mình,” người phụ nữ 66 tuổi nói và cho biết thêm rằng bà đã làm việc này 5 lần, kiếm được 2 triệu rupiah (khoảng 133 USD) cho mỗi lần.

Trong khi đó, một phụ nữ khác ở Gowa Regency, thuộc tỉnh Nam Sulawesi,Indonesia gần đây cũng gây chú ý sau khi tìm kiếm sự giúp đỡ trên TikTok bằng cách cho đứa con 7 tháng tuổi của mình uống cà phê hòa tan thay vì sữa công thức. 

Người mẹ đơn thân làm nhân viên phục vụ trong một nhà hàng, trước đó cô này đã đăng video quay cảnh con mình phải ăn cơm chiên và gà cay, mặc dù cô khai với cảnh sát rằng mình chỉ giả vờ cho con ăn trước ống kính. Các video của cô ấy đã bị gỡ xuống.

Xã hội lên án

Bộ trưởng Bộ Xã hội Tri Rismaharini đã ban hành một thông tư kêu gọi người dân báo cáo các video tương tự cho chính quyền địa phương.

Bà cũng kêu gọi nhân viên của mình “ngăn chặn các hoạt động ăn xin, cả ngoại tuyến lẫn trực tuyến, trên mạng xã hội nhằm bóc lột người già, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác”.

Theo Muhammadiyah, nhóm Hồi giáo ôn hòa lớn thứ hai ở Indonesia, cho biết “ăn xin và xin tiền cũng như hàng hóa miễn phí là hạ thấp danh dự con người và điều đó bị cấm” trong đạo Hồi.

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno cuối tuần trước đã kêu gọi những người sáng tạo nội dung tạo ra “nội dung hay với những giá trị tốt” không lợi dụng sự hào phóng của người Indonesia.

Bộ Truyền thông và Tin học đầu tuần này cho biết họ đã yêu cầu TikTok gỡ các video tắm bùn xuống. Bà Devie Rahmawati, nhà xã hội học tại Đại học Indonesia, cho biết những video như vậy có thể sẽ tiếp tục lan rộng, miễn là còn “có những người cảm thấy họ đã làm điều tốt bằng cách giúp đỡ trực tiếp những người ăn xin trên mạng”.

“Trong thế giới kỹ thuật số, cách chúng ta giúp đỡ người khác đã thay đổi, chẳng hạn như tặng quà, biểu tượng hoặc tính năng. Những món quà này sau đó có thể được tận dụng bởi người yêu cầu giúp đỡ,” bà nói.

Bà Devie kêu gọi chính phủ tuyên truyền cho người dân để đảm bảo các khoản đóng góp của họ được sử dụng đúng mục đích.

Chí Dũng