|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Ăn chặn' tiền từ thiện và làm giả sao kê sẽ bị xử phạt thế nào?

10:52 | 13/09/2024
Chia sẻ
Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, trường hợp cá nhân, tổ chức có chủ đích kêu gọi tiền từ thiện để chiếm đoạt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", còn trường hợp không có chủ đích nhưng nảy sinh lòng tham và chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Ngày hôm qua 12/9, trên Fanpage chính thức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố thống kê số tiền ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011.00.1932418 từ ngày 1/9 đến ngày 10/9.

Theo đó, sao kê dài 12.028 trang, thống kê chi tiết ngày, số tiền cũng như nội dung giao dịch của người dân, từ những giao dịch vài nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng, tất cả đều là tấm lòng của nhân dân cả nước để ủng hộ đến những đồng bào chịu ảnh hưởng do bão số 3.

Fanpage chính thức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố thống kê số tiền ủng hộ nhận được sự quan tâm lớn của người dân. (Ảnh chụp màn hình).

Sau khi bản sao kê này được công khai, trên mạng xã hội lập tức bàn luận xôn xao về việc một số cá nhân lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để kêu gọi từ thiện và ủng hộ đồng bào miền Bắc bị bão lũ thông qua hình thức chuyển tiền cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng số tiền ghi nhận trên sao kê không đúng và thấp hơn nhiều lần số tiền họ công bố chuyển khoản.

Trong đó, có trường hợp chuyển khoản 100.000 đồng nhưng đăng tải sao kê trên trang cá nhân mạng xã hội là 100 triệu đồng hay có những trường hợp đại diện tập thể chuyển khoản ủng hộ nhưng số tiền chỉ là 20.000 - 100.000 đồng.

Điều này đặt ra nghi vấn đề tính minh bạch của một số trường hợp. Vậy "ăn chặn" tiền từ thiện và làm giả sao kê sẽ bị xử phạt thế nào?

Có chủ đích lừa đảo tiền từ thiện, khung cao nhất là tù chung thân

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông, (Đoàn LS TP Hà Nội), với việc các cá nhân, tổ chức kêu gọi tiền vì mục đích từ thiện nhưng "ăn chặn" hoặc tham ô một phần số tiền này sẽ xảy ra hai trường hợp.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông, (Đoàn LS TP Hà Nội). (Ảnh: VGP).

Trường hợp thứ nhất, nếu cá nhân, tổ chức chủ động lên kế hoạch kêu gọi từ thiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là Tù chung thân.

Cụ thể, Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai năm đến 7 năm.

Trong trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Trong trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì có thể phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Với trường hợp thứ hai, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện nhưng không có mục đích lừa đảo ban đầu nhưng khi kêu gọi từ thiện thì nảy sinh hành vi chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, theo quy định, tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Thường mức phạt sẽ ở mức trung bình của khung hình phạt là 7,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc đăng tải sao kê giả có thể liên quan đến giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức (ngân hàng) và gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tiếp nhận tiền hỗ trợ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, hành vi làm giả sao kê để đăng tải lên trang cá nhân sẽ khó xử lý hơn do cần xác định thông tin đó có sai sự thật hay không,..., Luật sư Huế cho biết.

Hạ An