Tin giả hoành hành trong bão lũ
Ngày 7/9, đọc được tin "Hà Nội cắt điện toàn thành phố", Thúy Hằng vội chụp ảnh màn hình gửi vào nhóm cư dân và gia đình. Nhiều người lo lắng, nấu cơm sớm, rủ nhau đặt mua bếp cồn, ắc quy để tích điện dù đang mưa bão.
Đến 19h, điện vẫn còn. Bài viết trên các fanpage đã bị xóa, nhưng ảnh chụp màn hình của cô gửi trong nhóm chat vẫn còn. "Hôm nay vẫn có người nhắc lại về cái bếp cồn họ mua vì tin nhắn của tôi", Hằng nói. Cô cho rằng mình có lỗi khi chia sẻ thông tin không chính xác, nhưng cũng là nạn nhân do tin nội dung trên mạng xã hội.
Ngày 11/9, Viettel Telecom cũng phải lên tiếng phủ nhận sau khi nhiều tài khoản lan truyền thông tin về cách soạn tin nhắn để sử dụng Internet miễn phí. Một số bài viết còn tăng thêm tính thuyết phục bằng cách chèn thêm từ khóa như "hỗ trợ bão lũ", "chỉ thuê bao ở vùng bão lũ mới đăng ký được", nhận hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ.
Là một trong những người chia sẻ nội dung trên, Ngọc Bình (Vĩnh Phúc) nói cô "cũng chỉ có ý tốt" vì thấy bạn bè ở vùng lũ đang cần Internet. Tuy nhiên, cô thừa nhận mình không biết thông tin có chính xác hay không. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, dẫn đến tin giả lan truyền khó kiểm soát.
Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 11/9 cảnh báo về tình trạng tin giả, đồng thời khuyến nghị người dân "cần tỉnh táo khi chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng".
Tại Hải Dương, 21 trường hợp đăng thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ trên mạng xã hội đã bị xử lý. Trong ngày 10 và 11/9, công an tại các tỉnh thành Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng cho biết đã giải quyết hàng loạt vụ lan truyền tin giả liên quan đến "vỡ đê". Công an TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cũng xử lý trường hợp đăng tin "Cẩm Phả vớt 16 xác người buộc dây vào nhau", từng nhận hàng trăm lượt chia sẻ trước khi bị gỡ bỏ.
Tại Phú Thọ, nhiều nội dung sai sự thật xuất hiện như "Vỡ đập Yên Lập", "Bão lũ ở Hạ Hòa", thậm chí một video cứu nạn xe được mô tả là xe bị nạn trong sự cố sập cầu Phong Châu, nhưng sau đó được xác định là tin thất thiệt.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ, người dân cần chọn lọc thông tin, không chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Khi nghi ngờ tin không chính xác, trang lừa đảo, người dân có thể báo với cơ quan chức năng để góp phần bảo vệ cộng đồng.
Theo bà Thúy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần đẩy mạnh, lan tỏa các thông tin cảnh báo, giúp người dân tiếp cận với nguồn chính thống và chính xác.
Song song với tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề cập vấn nạn lừa đảo trực tuyến trong bão lũ. Bộ ghi nhận một số fanpage giả danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh, Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao kêu gọi từ thiện, nhưng thực chất đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Tình trạng tin giả luôn tồn tại trên mạng xã hội, đặc biệt nở rộ khi có các sự kiện, vấn đề lớn, nhiều người quan tâm. Năm 2021, tin giả trở thành "đại dịch" trên mạng trong Covid-19. Nhiều người sau đó bị phạt, trong đó có người nổi tiếng, nghệ sĩ.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cá nhân sử dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt 5-10 triệu đồng.