Công an chính thức vào cuộc, xem xét khởi tố người kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản
Nguồn tin từ Vietnamnet cho hay Công an TP HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an 21 quận, huyện và Công an TP Thủ Đức về việc phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản.
Công an thành phố đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện hai vấn đề gồm: Rà soát, đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ 2020 đến nay.
Thứ hai là kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản.
Động thái này xuất phát từ văn bản đề nghị của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An xung quanh những hoạt động từ thiện ồn ào trên mạng xã hội gần đây.
Như các tin đã đưa, thời gian này, trên mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ bị đặt nghi vấn về việc sử dụng những khoản quyên góp lên tới cả trăm tỷ đồng và dư luận muốn làm rõ, nhìn thấy các khoản thu - chi được sao kê minh bạch. Song đến nay vẫn chưa nghệ sĩ nào thực hiện minh bạch được các khoản tiền này.
Về vấn đề cá nhân làm từ thiện, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng việc này là hoàn toàn bình thường ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên để làm được thì cần có quy định chặt chẽ ở góc độ pháp luật cũng như góc độ quản trị tài chính cá nhân. Điều này sẽ giúp việc từ thiện được phù hợp với pháp luật, minh bạch và tạo niềm tin cho nhà hảo tâm đóng góp, cũng như giúp công việc từ thiện đạt hiệu quả.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, các thông tin đại chúng cần có sự cho phép trên từng lĩnh vực thông tin, đặc biệt là lĩnh vực tài chính.
Nếu các nghệ sĩ chỉ nhận tiền từ thiện do mọi người biết tới và gửi thì hành vi này nhà nước chưa có quy định. Nhưng nếu thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng để nhận tiền trực tiếp thì là hành vi cần được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Các nghệ sĩ thông báo trên mạng xã hội về tài khoản cá nhân nhận tiền của mình với lượng fan hàng triệu người, đó là hành vi quyên tiền đại chúng của cá nhân. Do vậy cần phải được sự đồng ý, hoặc cần có tài khoản nhận tiền đươc quản lý.
Tại các nước phát triển quy định rõ về điều này, số tiền quyên cho mục đích tư thiện phải gửi vào tài khoản của tổ chức có sự quản lý theo quy định và cá nhân không được nhận trực tiếp từ sự kêu gọi của mình.
Cùng quan điểm, Trung Tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học thuộc Bộ Công an cho rằng các nghệ sĩ nên tự chứng minh sự trong sạch của mình bằng cách chủ động sao kê tài khoản và đăng tải công khai. Điều này vừa là để bảo vệ danh dự cũng như khẳng định niềm tin của người hâm mộ đặt vào họ là không hề sai lầm.
Ông Hiếu cho rằng điểm chung nhất của tất cả các luồng dư luận hiện tại là yêu cầu sự minh bạch. "Mọi sự chậm trễ không công khai tài khoản của mình, sẽ dẫn đến phản ứng nghi ngờ rằng đúng là có khuất tất thật nên không dám công khai.
Vì theo suy nghĩ thông thường của nhiều người: Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Không làm điều gì sai trái thì hãy vì người hâm mộ mà làm những việc cần thiết để bảo vệ lòng tin của họ", chuyên gia của Bộ Công An nhận định.