|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Làm từ thiện cá nhân cũng thuộc quản lý tài chính

12:11 | 10/09/2021
Chia sẻ
Dưới góc độ tài chính cá nhân, việc làm từ thiện là hoàn toàn bình thường ở các nước đang phát triển và được quy định chặt chẽ ở góc độ pháp luật nhằm đảm bảo minh bạch và tạo niềm tin cho nhà hảo tâm đóng góp, cũng như giúp công việc từ thiện đạt hiệu quả.

Thời gian vừa qua, chủ đề nghệ sĩ làm từ thiện đang gây sốt và thu hút sự quan tâm của dư luận chỉ sau dịch bệnh COVID-19. Nhiều nghệ sĩ bị đặt nghi vấn về việc sử dụng những khoản quyên góp lên tới cả trăm tỷ đồng và dư luận muốn làm rõ, nhìn thấy các khoản thu - chi được sao kê minh bạch.

Dưới góc độ tài chính cá nhân, việc làm từ thiện là hoàn toàn bình thường ở các nước đang phát triển và điều này được họ quy định chặt chẽ ở góc độ pháp luật cũng như góc độ quản trị tài chính cá nhân để giúp việc từ thiện được phù hợp với pháp luật, minh bạch và tạo niềm tin cho nhà hảo tâm đóng góp, cũng như giúp công việc từ thiện đạt hiệu quả.

Theo một bài viết trên Facebook cá nhân của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, số tiền làm từ thiện trên 100 tỷ là quá lớn và cần phải quản lý chuyên nghiệp. Số tiền lên tới hàng trăm tỷ thì cũng không lớn so với các biệt thự, bất động sản... nhưng đó là số tiền lớn với góc độ tài chính. Cụ thể, đa số vốn của hơn 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cũng chỉ từ 10 - 20 tỷ. Vốn khởi nghiệp bình quân của một công ty starup Mỹ năm 2018 là 30.000 USD, tức 700 triệu đồng. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Làm từ thiện cá nhân cũng thuộc quản lý tài chính - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển. (Ảnh: Báo Công Thương).

Trong khi, Tổ chức từ thiện Christina Noble nổi tiếng thế giới khởi đầu tại Việt Nam chỉ với 10.000 USD quyên góp được. Và bây giờ số tiền tài trợ từ 10.000 - 50.000 USD của nhà hảo tâm tài trợ, tổ chức cũng đủ để thực hiện một chương trình thiết thực cho cộng đồng như chương trình Hỗ trợ Giáo dục cho trẻ em nghèo cơ nhỡ tại Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao chỉ bắt đầu với 20.000 USD do A&T tài trợ... 

Ví dụ trên chứng minh số tiền từ thiện quyên góp được trong một kỳ bão lụt của nghệ sĩ là quá lớn. Nó ngang tầm của một tổ chức từ thiện và một chương trình từ thiện quy mô lớn tại Việt Nam và các nước thế giới thứ ba.

Theo ông Hiển, với quy mô số tiền lớn thực thu - thực chi trong một năm như vậy, cần phải được quản lý chuyên nghiệp với nghiệp vụ kế toán, và cần có kiểm toán nếu muốn bảo đảm sự minh bạch. 

Vị chuyên gia nêu quan điểm các công ty kiểm toán không chỉ làm nghiệp vụ kiểm toán cho báo cáo tài chính của công ty, mà còn làm nghiệp vụ kiểm toán cho mọi hoạt động như một chương trình từ thiện. "Một cuộc thi đấu cần giám sát minh bạch", ông Hiển cho biết. Ngoài ra, các dịch vụ này cần bảo đảm quản lý tiền minh bạch, không thất thoát và với chi phí hợp lý. 

Quyên tiền công bố đại chúng là hành vi chưa được phép

Theo ông Hiển, điều gì Nhà nước không cấm thì người dân có quyền làm như việc nhận tiền từ thiện. Tuy nhiên, Nhà nước đã có những quy định về thông tin riêng lẻ và thông tin đại chúng. 

Theo đó các thông tin đại chúng cần có sự cho phép trên từng lĩnh vực thông tin, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Nếu các nghệ sĩ chỉ nhận tiền từ thiện do mọi người biết tới và gửi thì hành vi này nhà nước chưa có quy định. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Làm từ thiện cá nhân cũng thuộc quản lý tài chính - Ảnh 2.

Hành vi kêu gọi từ thiện công khai trên mạng xã hội là chưa được phép. (Ảnh: FBCN Thủy Tiên).

Nhưng nếu thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng để nhận tiền trực tiếp thì là hành vi cần được phép của cơ quan có thẩm quyền. Các nghệ sĩ thông báo trên mạng xã hội về tài khoản cá nhân nhận tiền của mình với lượng fan hàng triệu người, đó là hành vi quyên tiền đại chúng của cá nhân. Do vậy cần phải được sự đồng ý, hoặc cần có tài khoản nhận tiền đươc quản lý. 

Tại các nước phát triển quy định rõ về điều này, số tiền quyên cho mục đích tư thiện phải gửi vào tài khoản của tổ chức có sự quản lý theo quy định và cá nhân không được nhận trực tiếp từ sự kêu gọi của mình. 

Nghệ sĩ không dám kêu gọi từ thiện thì phải làm sao?

Nhiều ý kiến cho rằng nếu nghệ sĩ không làm từ thiện thì không ai chịu đứng ra nhận quyên góp để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai. Điều này không đúng vì có nhiều cách để làm từ thiện quy mô lớn hợp pháp, hiệu quả theo ý mình và nhà tài trợ. 

Nhà hảo tâm thường thích giao tiền cho người nổi tiếng có uy tín và làm theo mục đích từ thiện mà họ đã công bố. Ở các nước phát triển, người nổi tiếng thường lập một tổ chức từ thiện và có sự quản lý chuyên nghiệp để bảo đảm sự minh bạch. 

Trong khi ở Việt Nam do chưa có quy định cá nhân được lập hội từ thiện chính thức để nhận tiền tài trợ. Vì thế, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, có thể làm theo cách mở một tài khoản và giao cho tổ chức tài chính uy tín làm dịch vụ quản lý thu chi, có công ty kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. 

"Điều này sẽ bảo đảm sự minh bạch", ông Hiển nhận định.

Thùy Trang