Sau khi Trấn Thành sao kê, chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an đã lên tiếng trước những lùm xùm tiền từ thiện của các nghệ sĩ
Hôm 7/9, Trấn Thành đã tung hàng loạt sao kê từ thiện sau khi xuất hiện thông tin cho rằng nam MC không minh bạch hoạt động từ thiện, nắm giữ số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Tổng kết số liệu từ tập giấy sao kê dài hơn 1.000 tờ mà Trấn Thành cung cấp cho thấy số tiền thực tế mà nam MC kêu gọi được là hơn 9,6 tỷ đồng.
Từ vụ việc MC Trấn Thành cùng với những buổi livestream, bóc phốt nhiều nghệ sĩ có tham gia kêu gọi quyên tiền ủng hộ khác, Trung Tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học thuộc Bộ Công an đã có những ý kiến riêng trên trang cá nhân.
Theo ông Hiếu, những buổi livestream bóc phốt, tố cáo trên mạng xã hội mà người bị tố cáo là các cá nhân đã đứng ra kêu gọi, nhận quyên góp từ thiện, nhưng chỉ sử dụng một phần nhận được vào mục đích, số tiền còn lại bị họ biển thủ, chiếm đoạt… "không còn là chuyện chơi mà đã mang tính pháp lý".
Chuyên gia Tội phạm học cho rằng hành vi này mang đến những nguy cơ rất cụ thể cho cả hai phía, bất kể là người tố cáo nói đúng hay là sai về hành động biển thủ. Bởi các clip tố cáo đều nêu rõ danh tính, nghề nghiệp của người bị tố - hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và sau khi bị tố, những người này đều nói rằng sẽ tìm đến sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ uy tín và danh dự của bản thân.
Đơn cử, MC Trấn Thành mới đây đã tung bằng chứng sao kê từ thiện kèm theo lời khẳng định luật sư sẽ vào cuộc nếu còn những hành vi xâm hại đến danh dự, vu khống nhắm đến anh.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng các nghệ sĩ nên tự chứng minh sự trong sạch của mình bằng cách chủ động sao kê tài khoản và đăng tải công khai. Điều này vừa là để bảo vệ danh dự cũng như khẳng định niềm tin của người hâm mộ đặt vào họ là không hề sai lầm.
Ông Hiếu cho rằng điểm chung nhất của tất cả các luồng dư luận hiện tại là yêu cầu sự minh bạch. "Mọi sự chậm trễ không công khai tài khoản của mình, sẽ dẫn đến phản ứng nghi ngờ rằng đúng là có khuất tất thật nên không dám công khai.
Vì theo suy nghĩ thông thường của nhiều người: Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Không làm điều gì sai trái thì hãy vì người hâm mộ mà làm những việc cần thiết để bảo vệ lòng tin của họ", chuyên gia của Bộ Công An nhận định.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng một khi đã kêu gọi từ thiện từ cộng đồng thì phải có trách nhiệm trả lời khi có nghi vấn nảy ra.
"Đây không phải là việc muốn làm hay không. Tiền họ nhận được là dành cho đồng bào, chứ không phải cho họ. Về bản chất, họ chỉ là nhân viên bưu điện, nhận nhiệm vụ, ủy thác từ cộng đồng để chuyển tải tấm lòng nhân ái đến người cần giúp đỡ. Đã đứng ra nhận trách nhiệm này, đương nhiên phải chịu sự giám sát và có trách nhiệm giải trình, báo cáo mọi người khi phát sinh yêu cầu cần minh bạch", ông Hiếu nêu quan điểm.
Pháp luật cũng không bắt buộc việc sao kê tài khoản cá nhân liên quan đến hoạt động từ thiện vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Theo chuyên gia của Bộ Công An, người dân khi có chứng cứ, tài liệu về việc ăn chặn từ thiện nên trình báo, cung cấp cho cơ quan chức năng địa phương. Việc đưa các thông tin bóc phốt, chửi bới nhau trên mạng sẽ tạo ra hệ lụy tiêu cực trong sinh hoạt mạng xã hội vì khán giả trẻ em có thể tiếp cận, bắt chước những ngôn từ, lời lẽ xấu xí, phản cảm của các bên.
Chưa hết, các cuộc livestream bóc phốt còn gây ra cuộc khủng hoảng lòng tin vào con người, mà hệ lụy của nó là hoạt động vận động xã hội vào công tác từ thiện nhân đạo trở nên khó khăn hơn.
"Truyền thống văn hoá hoà hiếu, tương thân tương ái của dân tộc nhường chỗ cho những cãi cọ, miệt thị, xúc phạm nhau công khai như ngoài chợ, khiến môi trường văn hoá bị đầu độc, nặng nề", ông Hiếu cho hay.
Hiện tại, ngoài MC Trấn Thành đã công bố sao kê, ca sĩ Thủy Tiên và Đàm Vĩnh Hưng là hai người được dư luận dành sự quan tâm về vấn đề minh bạch số tiền từ thiện mà họ đã thực hiện kêu gọi trong đợt cứu trợ bà con đồng bào miền Trung vào năm ngoái.