|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Alibaba và Tencent đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ô tô

06:44 | 22/09/2020
Chia sẻ
Hai ông lớn công nghệ Trung Quốc là Tencet và Alibaba đang bước chân vào lĩnh vực sửa chữa ô tô, đe doạ trực tiếp tới doanh thu của các cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ.

Wall Street Journal (Thời báo Tài chính Phố Wall) mới đây đã đăng tải bài viết về việc các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang chuyển qua một lĩnh vực kinh doanh mới, đó là sửa chữa ô tô, trong bối cảnh nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa xe cũ tại quốc gia này đang bùng nổ sau đại dịch COVID-19.

Alibaba và Tencent - hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, đang đối đầu với hàng nghìn cửa hàng sửa chữa ô tô nhỏ lẻ trên khắp cả nước. 

Các cửa hàng nhỏ lẻ này có hai sự lựa chọn, một là tham gia mở gian hàng dịch vụ sửa chữa ô tô trên các nền tảng của Alibaba hay Tencent và hai là sẽ bị cạnh tranh bởi chính những ông lớn này, nhờ mạng lưới công nghệ tiêu dùng đang tăng nhanh tại Trung Quốc.

Cửa hàng sửa chữa ô tô độc lập bắt tay với Alibaba và Tencent

Chiến lược của Alibaba là liên kết nền tảng thương mại điện tử Tmall phổ biến với một chuỗi hệ thống các cửa hàng sửa xe để tạo ra dịch vụ bảo trì xe đầu tiên trên điện thoại thông minh. Người dùng có thể liên hệ đặt lịch trước trên Tmall và mang xe đến gara để sửa chữa.

Trong khi đó, Tencent đã xây dựng các gara mới, đồng thời hợp tác với các cửa hàng sửa chữa hiện có để cung cấp các điểm nhận hàng cho các giao dịch bán phụ tùng và linh kiện ô tô trực tuyến.

Alibaba và Tencent đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ô tô - Ảnh 1.

Thợ cơ khí đang sửa chữa ô tô tại một Tmall AutoCare của Alibaba ở Thượng Hải. (Ảnh: WSJ).

Theo dữ liệu chính thức, trong một thập kỉ qua tại Trung Quốc đã có 260 triệu chiếc ô tô mới được lăn bánh trên đường, tăng 4 lần qui mô so với năm 2010. Hiện những chiếc ô tô đang lưu thông tại Trung Quốc có độ tuổi trung bình chạm mốc 6 năm - đây là thời điểm chiếc xe bắt đầu phát sinh hỏng hóc và nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tăng lên.

Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường hậu mãi ô tô ở Trung Quốc có thể đạt giá trị lên tới 524 tỉ USD vào năm 2025.

Cho đến nay, các đại lí ô tô vận hành theo mô hình 4S (sales, service, spares, surveys: bán hàng, dịch vụ, phụ tùng, khảo sát) và hầu hết là các gara nhỏ, độc lập đang chiếm lĩnh thị phần thị trường sửa chữa ô tô của Trung Quốc.

Một số tập đoàn quốc tế có hệ thống sửa chữa xe ở Trung Quốc như Mobil 1 của Exxon Mobil Corp và Michelin cũng để lại dấu ấn đáng kể. Đầu năm nay, Exxon đã thành lập liên doanh với Tencent để cho phép người dùng có thể đặt chỗ trực tuyến tại các cửa hàng dịch vụ Mobil 1.

Các đại lí ô tô 4S, thuộc sở hữu hoặc hợp tác với nhà sản xuất ô tô, để bảo hành những chiếc xe mà họ bán ra theo chế độ bảo hành 3 năm tiêu chuẩn. Sau khoảng thời gian đó, các gara độc lập hầu như đảm nhận toàn bộ quá trình sửa chữa, bảo dưỡng chiếc xe.

Với qui mô nhỏ lẻ và kém hiệu quả, các gara độc lập tỏ ra hụt hơi trước những mạng lưới gara được chống lưng bởi các ông lớn công nghệ.

Trưởng bộ phận tư vấn của Ipsos Strategy3 tại Thượng Hải Wijaya Ng cho biết, các công ty công nghệ nhận ra rằng họ có thể tham gia vào hệ thống này và củng cố nó.

Đầu tiên là các nhà hàng, sau đó là các tiệm hớt tóc rồi đến chăm sóc thú cưng, giờ đến lượt ngành công nghiệp ô tô cũng bị công nghệ thay đổi toàn diện.

Wang Tingsong, chủ tiệm sửa chữa ô tô ở Trung Quốc

Tại Shibalidian Auto City, một trung tâm sửa chữa ô tô ở ngoại ô Bắc Kinh, các thợ máy cho biết các công ty công nghệ đang dần bóp nghẹt những gara nhỏ, độc lập.

Ông Wang Tingsong, người đã mở một cửa hàng sửa chữa ô tô của mình cách đây 14 năm nói rằng: "Công việc kinh doanh đang rất chán".

"Với người tiêu dùng trẻ, họ làm mọi thứ thông qua chiếc smartphone. Sự xâm lấn của công nghệ dường như không thể cưỡng lại được", ông nói. "Đầu tiên là các nhà hàng, sau đó là các tiệm hớt tóc rồi đến chăm sóc thú cưng, giờ đến lượt ngành công nghiệp ô tô cũng bị công nghệ thay đổi toàn diện".

Chen Bao'an, chủ một gara gần đó cho biết lựa chọn duy nhất là chấp nhận liên kết với những tập đoàn công nghệ. Ông Chen cho biết, gần đây ông đã tham gia nền tảng sửa xe Tuhu và việc đó đã giúp ông mở rộng thêm 1/4 cơ sở khách hàng của mình so với ngày trước.

Công ty startup Tuhu có nhà đầu tư chính là Tencent, chuyên bán các linh kiện trực tuyến và phân phối lịch hẹn sửa chữa trong ngày tại các gara đối tác có trong hệ thống như gara của ông Chen.

Phát ngôn viên của Tuhu cho biết, là đơn vị đi đầu trong việc chuyển sửa chữa ô tô dựa vào nền tảng công nghệ trên điệ thoại thông mình, startup này đã xây dựng được cơ sở 52 triệu người dùng, sau 9 năm đi vào hoạt động.

Tham vọng của những gã khổng lồ công nghệ

Các nhà phân tích cho biết, hiện Trung Quốc có khoảng 600.000 gara ô tô, gấp đôi con số thực tế cần thiết.

Tổng Giám đốc JD Automotive Yan Qing cho biết, trong vòng 3 năm tới JD.com muốn thu hút các cửa hàng tốt nhất hiện có vào mạng lưới của mình, tăng từ 1.000 gara hiện nay lên 4.000 gara trên toàn quốc.

Alibaba và Tencent đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ô tô - Ảnh 3.

Wang Bing đứng cạnh xe bán tải, bên ngoài cửa hàng nhượng quyền Tmall AutoCare của mình ở phía Tây Thượng Hải. (Ảnh: WSJ).

Gara ô tô không phải là mảng kinh doanh đòi hỏi địa điểm thực tế của Alibaba, trước đó hãng thương mại điện tử này đã sở hữu một chuỗi các siêu thị phẩm tươi và nhiều chuỗi cửa hàng khác. 

Song các gara này có thể sớm trở thành một hệ thống kinh doanh dựa vào cửa hàng vật lí lớn nhất của Alibaba với hàng ngàn cửa hàng sẽ được mở ra trong những năm tới.

Ông Jim Blair, Phó Chủ tịch cao cấp của Carzone, nhà cung cấp phụ tùng ô tô cho các gara và là đối tác liên doanh của Alibaba trong chuỗi Tmall AutoCare mới cho biết: "Kế hoạch của chúng tôi là phủ sóng mạng lưới gara trên toàn quốc".

Các cửa hàng sửa chữa ô tô của Tmall gần đây đã bắt đầu xuất hiện ở phía Tây Thượng Hải, nơi tập trung nhiều đại lí và gara ô tô. Wang Bing, trưởng cửa hàng của một Tmall sửa chữa ô tô khai trương vào tháng 8 cho biết, mọi người rất ngạc nhiên khi thấy biểu tưởng chú mèo quen thuộc của trang thương mại điện tử này trên một toà nhà.

Sau khi đầu tư 440.000 để xây dựng gara mới, ông Wang đang dựa vào sức mạnh đến từ nhận diện thương hiệu của Tmall để thu hút khách hàng. 

Đổi lại, để thực hiện giao dịch trên Tmall và để Tmall phân phối khách hàng đến cửa hàng, ông Wang sẽ phải trả cho Alibaba khoảng 22.000 USD tiền chuyển nhượng thương mại trong vòng 3 năm, và sẽ phải bắt đầu chuyển giao hơn 15% lợi nhuận sau 6 tháng hoạt động.

Ông Wang nói, số tiền đó cũng đáng khi cả thế giới tìm kiếm cửa hàng sửa trên màn hình điện thoại thông minh. "Ngày càng khó kiếm tiền trong lĩnh vực kinh doanh này. Và Tmall là hi vọng của tôi, nó khiến công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn", ông nói.

Thiên Trường