Alibaba thay tướng khi người cũ làm phật lòng tỷ phú Jack Ma
Gã khổng lồ Alibaba mong muốn mở ra một kỷ nguyên rộng mở với việc một học trò cũ của người sáng lập Jack Ma sẽ nắm quyền phụ trách các hoạt động thương mại điện tử quan trọng của doanh nghiệp tại Trung Quốc, theo Asia Nikkei.
Alibaba đẩy mạnh cải tổ bộ máy lãnh đạo
Trudy Dai, một trong 18 thành viên sáng lập Alibaba, sẽ phụ trách bộ phận thương mại kỹ thuật số mới tại Trung Quốc từ tháng Giêng. Về cơ bản, bà sẽ thay thế vị trí trước đó được nắm giữ bởi Jiang Fan. Ông Jiang Fan sẽ chuyển qua lãnh đạo bộ phận thương mại kỹ thuật số thị trường quốc tế.
Được thành lập vào năm 1999, Alibaba đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Dù vậy, với tốc độ tăng trưởng chậm lại do sự cạnh tranh gia tăng và các quy định bị chính phủ thắt chặt, công ty đang cố gắng thay đổi một số vị trí với hy vọng sẽ phục hồi hoạt động kinh doanh.
"2021 là một năm khó khăn và đã đến lúc chuẩn bị cho khởi đầu mới", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba, Daniel Zhang chia sẻ. Một loạt thay đổi về bộ máy quản lý và tổ chức đã được công bố cùng ngày, đưa công ty ra khỏi phương pháp tiếp cận tập trung của Zhang sang phương thức mà người đứng đầu các đơn vị kinh doanh khác nhau được trao quyền nhiều hơn. Sự thay đổi này nhằm mục đích làm cho công ty hoạt động nhanh hơn, nhưng có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của ông Daniel Zhang.
Maggie Wu, người từng giữ vai trò Giám đốc tài chính từ năm 2013, sẽ rời vị trí đó vào tháng 4/2022 để chuyển sang giám sát tính bền vững. Wu là một trong những nhân vật quan trọng trong chặng đường IPO thành công của Alibaba tại New York và Hong Kong.
Việc bổ nhiệm bà Trudy Dai đặc biệt thu hút nhiều sự chú ý từ những người theo dõi Alibaba, vì các hoạt động thương mại điện tử trong nước tạo ra phần lớn lợi nhuận và chiếm tới 2/3 doanh thu của công ty.
"Dai có một tính cách điềm đạm và cô ấy được những người xung quanh tin tưởng", theo Asia Nikkei. Tỷ phú Jack Ma từng là giáo viên dạy tiếng Anh cho bà Trudy Dai trước khi ông thành lập Alibaba, nơi ông giữ chức chủ tịch cho tới tháng 9/2019.
Cho đến nay, bà Dai chủ yếu tham gia vào lĩnh vực nhân sự và hoạt động kinh doanh với doanh nghiệp. Vì vậy, bà có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ kỹ thuật số. "Dù thế nào, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào cô ấy để xây dựng lại các tổ chức đã suy yếu và bồi dưỡng nhân tài", theo một nguồn tin từ Alibaba.
Trong khi đó, Jiang Fan từ lâu đã được coi là một ứng cử viên để ngồi vào vị trí cao nhất tại Alibaba. Mặc dù mới chỉ ở tuổi 30, nhưng ông đã có nhiều năm đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo quan trọng tại Taobao và Tmall, những nền tảng thương mại điện tử lớn bậc nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, Jiang đã bị loại khỏi bộ phận quan hệ đối tác của Alibaba, thứ ảnh hưởng đến các cuộc bổ nhiệm trong hội đồng quản trị, sau khi dính vào một vụ bê bối trong năm 2020. Ông hiện vẫn là người đứng đầu cả Taobao và Tmall, nhưng đang phải vật lộn để đối phó với sự trỗi dậy của các nền tảng khác.
Trong bối cảnh mảng kinh doanh thương mại điện tử gặp khó khăn, doanh thu của Alibaba dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất lịch sử trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022. Nhiều chuyên gia theo dõi thị trường tin rằng Jiang và Wu đang rời bỏ vị trí của họ như một cách chịu trách nhiệm về việc không vạch ra con đường phát triển rõ ràng.
Jack Ma mất niềm tin vào người kế nhiệm
Dưới thời Jack Ma, các bộ phận kinh doanh của Alibaba có tính độc lập cao và được khuyến khích cạnh tranh với nhau để đổi mới. Tuy nhiên, các bộ phận dường như đang rơi vào cảnh đấu đá lẫn nhau kể từ khi tỷ phú này về hưu. Zhang, người đã thay thế tỷ phú Jack Ma hơn hai năm trước, theo đuổi một cấu trúc tập trung hơn, nơi ông kiểm soát tất cả các hoạt động kinh doanh chủ chốt của Alibaba.
Việc cải tổ bộ máy cũng được thúc đẩy một phần bởi chính ông Zhang. Giám đốc điều hành này bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình tại PwC (một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) chi nhánh Thượng Hải và làm việc tại một công ty trò chơi của Trung Quốc trước khi gia nhập Alibaba. Một số thành viên sáng lập phản đối việc ông được chọn làm người kế nhiệm Jack Ma và cho rằng một trong những nhà sáng lập nên được chọn.
Tuy vậy, tỷ phú Jack Ma vẫn chọn ông Zhang, đặc biệt sau những thành tựu mà ông đem lại cho tập đoàn kể từ khi gia nhập vào năm 2007. Dù vậy, quyết định đưa một thành viên sáng lập trở lại phụ trách mảng thương mại điện tử Trung Quốc đã làm dấy lên suy đoán rằng Jack Ma có thể đang mất niềm tin vào Daniel Zhang.
"Jack Ma có thể đã suy nghĩ rằng một mình Zhang sẽ không thể đưa công ty đi đúng hướng", theo một nguồn tin thân Alibaba. Jack Ma hiện vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Alibaba và vẫn nắm giữ sự ảnh hưởng đáng kể đối với các lựa chọn lãnh đạo. Ông được cho là cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm mới của bà Truly Dai.
Báo chí Trung Quốc đưa tin Alibaba sẽ tái cấu trúc công ty thành 4 bộ phận: thương mại Trung Quốc, thương mại quốc tế, điện toán đám mây và dịch vụ. Mỗi nhà lãnh đạo của họ được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/