|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ACV lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ quý đầu năm

12:32 | 29/04/2024
Chia sẻ
Có lãi chênh lệch tỷ giá thay vì lỗ đậm như cùng kỳ và sự phục hồi của hàng không quốc tế là hai yếu tố đẩy lợi nhuận ròng của ACV lên mức cao kỷ lục.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) cho thấy doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường hàng không quốc tế phục hồi.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên gần 63,8%, cùng kỳ 2023 đạt 62,1%. Doanh thu tài chính tăng 15% lên 479 tỷ đồng do phát sinh khoản lãi 83 tỷ từ chênh lệch tỷ giá và 28 tỷ cổ tức, lợi nhuận được chia, đã bù đắp cho sự sụt giảm của khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng kỳ này do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. ACV vay nợ chủ yếu bằng yen Nhật. Trong quý I/2024, đồng yen mất giá so với VND so với đầu năm trong khi quý I/2023 đồng yen lại mạnh hơn so với VND đầu 2023 là yếu tố giúp ACV chuyển từ lỗ sang có lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ.

Kết quả, ACV lãi sau thuế 2.921 tỷ đồng, tăng 79% so với quý I/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 79% lên 2.917 tỷ. Đây là con số lợi nhuận quý cao kỷ lục của ACV.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý I của ACV ghi nhận 67.059 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 26.591 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm.

Với khoản tiền gửi dồi dào giúp ACV mang về 346 tỷ lãi tiền gửi quý đầu năm, giảm 15% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất xuống thấp.

Khoản phải thu ngắn hạn của ACV là 13.810 tỷ, chủ yếu từ các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Pacific Airlines,...). Trong đó doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 3.895 tỷ đồng cuối kỳ. 

Riêng Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines, ACV phải trích lập dự phòng 100% giá trị nợ xấu.

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Cuối quý I, ACV vay nợ tổng cộng gần 10.244 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn, tài trợ bởi nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Như đã đề cập ở trên, biến động tỷ giá yen Nhật so với VND sẽ tác động nhiều tới khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá của ACV và cũng gây ra sự biến thiên lợi nhuận của đơn vị này.

Trong khi đó, do được vay bằng nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nên chi phí lãi vay của ACV rất thấp, chưa tới 15 tỷ trong quý I.

Vốn chủ sở hữu của ACV tại ngày 31/3 là 53.010 tỷ, bao gồm 25.136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 6.000 tỷ ở quỹ đầu tư phát triển.

Hoàng Kiều