|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021

09:22 | 22/10/2021
Chia sẻ
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới đây đã chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021. Đáng chú ý, trong danh sách này, có đến 6/10 thuộc về các doanh nghiệp ngành mì gói.
Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021, tháng 10/2021

Trong danh sách này, có đến 6/10 thuộc về các doanh nghiệp ngành mì gói bao gồm công ty hàng tiêu dùng thuộc Tập đoàn Masan (Masan Consumer, Mã: MCH) - chủ thương hiệu mì Omachi, Acecook - sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo, Lẫu Thái, Asiafoods sở hữu thương hiệu mì Gấu Đỏ, Uniben - chủ thương hiệu mì 3 Miền, Vifon và Uni- President sở hữu thương hiệu mì Vua Bếp.

4 cái tên còn lại trong danh sách này có sự góp mặt của hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dầu ăn là Calofic - chủ thương hiệu dầu Cái Lân và Dầu Tường An (Mã: TAC) thuộc Tập đoàn KIDO (Mã: KDC); doanh nghiệp sản xuất tương ớt Cholimex và cuối cùng là bột ngọt Vedan.

Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy đại dịch đã dịch chuyển các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, một số nhóm sản phẩm có mức tiêu thụ tăng trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm khi có miễn dịch cộng đồng bao gồm: thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tiện lợi, đóng gói…

Theo Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính:

(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất

(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;

(3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan: người tiêu dùng, chuyên gia… được thực hiện trong tháng 8/2021.

Riêng ngành mì gói, dưới tác động của dịch bệnh và giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ mì gói của mỗi gia đình người Việt tăng cao. Theo thống kê từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), giai đoạn từ 2016 - 2020, Việt Nam xếp thứ ba trong top 10 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới, vượt Ấn Độ, đứng sau Trung Quốc và Indonesia.

Dẫn đầu trong việc phân chia miếng bánh thị trường mì gói vẫn là ông lớn Acecook với doanh thu trên 11.500 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với mức 10.650 tỷ đồng năm 2019. Đứng vị trí thứ hai là Masan Consumer với doanh thu đạt gần 6.900 tỷ đồng. Vị trí thứ ba thuộc về Asiafoods với doanh thu hơn 5.700 tỷ đồng.

Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021 - Ảnh 3.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng Thực phẩm - Đồ uống, tháng 8/2021

Theo  Vietnam Report, những thay đổi trong chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh đại dịch, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng từ bên ngoài sang tại nhà. 

Có tới 75% số người tham gia khảo sát của Vietnam Report đã tăng chi tiêu cho thực phẩm tự chế biến tại nhà kể từ khi COVID-19 bùng phát, 46% trong số đó dự kiến tiếp tục duy trì thói quen này khi có miễn dịch cộng đồng.

Đại địch đã khiến người tiêu dùng Việt Nam dần tiếp nhận các sàn thương mại điện tử, kênh mua hàng trực tuyến nhanh hơn. Trên 91% lượng người tiêu dùng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết đã từng sử dụng kênh trực tuyến để mua sản phẩm thực phẩm – đồ uống kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Ở một số danh mục sản phẩm cụ thể, khảo sát cũng chỉ ra đã có một luồng dịch chuyển rõ nét từ thương mại truyền thống sang các kênh trực tuyến, đặc biệt là nhóm thực phẩm.

Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021 - Ảnh 4.

Theo Vietnam Report, xây dựng một thương hiệu mạnh cần mất nhiều thời gian. Để có thể giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ khách hàng, doanh nghiệp cần cho thấy rằng cam kết với khách hàng là lẽ sống còn của mình. 

Vietnam Report cho rằng, để xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời 7 khía cạnh sau: Sản phẩm, đổi mới, môi trường làm việc, trách nhiệm xã hội, năng lực quản trị, khả năng lãnh đạo và kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh. 

Đánh giá uy tín của doanh nghiệp F&B cần quan tâm đến tất cả các bên liên quan như người tiêu dùng, đối tác, đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư, nhà phân phối, nhân viên trong chính doanh nghiệp đó… 

Với ngành thực phẩm và đặc biệt là mì gói nói riêng, câu chuyện truyền thông sản phẩm luôn là vấn đề gây nhức nhối đối với lãnh đạo các doanh nghiệp này do tính phổ quát của nó. Đơn cử như sự việc mì Hảo Hảo của Acecook bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đưa ra thông báo thu hồi do liên quan đến chất Ethylene Oxide trong tháng 9 vừa qua.

Theo nhận định của Vietnam Report, thời mà doanh nghiệp gây dựng uy tín chỉ dựa vào sản phẩm tốt đã qua rồi, ngày nay, việc định nghĩa doanh nghiệp của bạn là ai quan trọng hơn việc doanh nghiệp bạn bán gì. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. 

Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021 - Ảnh 5.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Dữ liệu Media coding ngành Thực phẩm - Đồ uống tại Việt Nam từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2021.

Kết quả phân tích truyền thông cũng chỉ ra rằng, tần suất xuất hiện trên truyền thông dày đặc chưa hẳn đã đạt được hiệu quả về chất lượng thông tin, buộc doanh nghiệp trong ngành phải thực sự quan tâm hơn đến bài toán “lượng” và “chất”.

Acecook, Masan, Asiafoods và 3 công ty mì gói khác lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2021 - Ảnh 6.

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding ngành Thực phẩm - Đồ uống tại Việt Nam từ 8/2020 đến tháng 7/2021

Bên cạnh đó, sức mạnh truyền thông không chỉ thể hiện ở tần suất xuất hiện, độ đa dạng hay chất lượng thông tin mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác, trong đó bao gồm nguồn thông tin. 

Hiện tỷ lệ thông tin có nguồn từ doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 17,6%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành còn khá dè dặt với truyền thông khi để phần lớn lượng thông tin cho báo chí tự khai thác. 

Vietnam Report cho rằng, đây cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc và tăng cường tiếng nói của chính mình trên truyền thông.

Hoàng Trung