|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ Dh Foods kể chuyện khởi nghiệp từ mì gói: Xuất khẩu 6 triệu gói mỗi tháng sang châu Âu, đứng đầu thị phần tại Campuchia

07:33 | 07/09/2021
Chia sẻ
"Sau 1 năm, nếu mình nhớ không nhầm thì mỗi tháng mình đã bán được hơn 30 container 40 feet, tương đương 5 - 6 triệu gói/tháng. Công ty ăn nên làm ra, bán được mì qua Tiệp, qua Nga… còn ở Campuchia thì thành số 1 thị trường", ông Trung Dũng, CEO Dh Foods kể lại.

"Đừng quyết định gì khi đang nóng giận, cho dù mình có lý", đó là tiêu đề bài viết kể lại câu chuyện khởi nghiệp bằng mì gói của ông Nguyễn Trung Dũng, Founder kiêm CEO Dh Foods. Ông Dũng chỉ ra rằng những hành động dựa trên cảm xúc nóng giận nhất thời trong kinh doanh có thể hủy hoại cả một doanh nghiệp sau này.

CEO Dh Foods kể lại bài học thấm thía ở Ba Lan: 'Đừng quyết định gì khi đang nóng giận, cho dù mình có lý' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Dh Food. (Ảnh: @Trung Dung Nguyen).

Câu chuyện liên quan tới một đối tác ở Long Xuyên, An Giang - công ty An Thái (An Thái). Sau khi thăm nhà máy, ông Dũng ký hợp đồng với An Thái để phân phối mì thương hiệu Lucky tại Ba Lan. Thời điểm đó, sản phẩm này được khách hàng phản ứng rất tốt, sản lượng tăng rất nhanh, ông Dũng chia sẻ.

Sau một năm, mỗi tháng ông Dũng bán được hơn 30 container 40 feet, tương đương 5 - 6 triệu gói/tháng. Công ty ăn nên làm ra, mì được phân phối qua nhiều nước như Tiệp Khắc, Nga,... Riêng ở Campuchia, sản phẩm này đứng đầu thị trường.

Nhận thấy tiềm năng, An Thái đã mua thêm dây chuyền thứ hai, công suất lớn gấp đôi dây chuyền đầu. "Hồi đó tôi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm ký các hợp đồng lớn, đối tác An Thái giai đoạn sau cứ ba tháng lại thông báo tăng giá một lần, và tôi cũng phải chấp nhận do bán được quá nhiều. Tuy nhiên, đúng ra tôi phải cảnh giác với đối tác này vì cách làm ăn như vậy, nhưng vì còn trẻ nên cũng hay cả tin", ông Dũng kể lại.

Năm 1996 - 1997, vị Chủ tịch HĐQT Công ty An Thái, người Singapore sinh ra ở Việt Nam và sống đến năm 1975 ở Sài Gòn, qua Ba Lan thăm khách hàng lớn nhất của họ. Ông Dũng đích thân dẫn người này đi khắp Ba Lan gặp các nhà phân phối, vào các hệ thống siêu thị,...

Sau chuyến đi này, Chủ tịch An Thái ngỏ ý muốn mua lại 70% công ty của ông Dũng và đưa thêm mì Lucky sản xuất tại Trung Quốc với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, tất cả ý định này đều bị từ chối bởi ông Dũng không muốn đối tác chi phối cổ phần công ty. Bên cạnh đó, ông chỉ muốn bán mì ở Việt Nam và ngoài thương hiệu mì Lucky, công ty ông còn phân phối cả thương hiệu mì Thiên Hương với sản lượng bằng 50% Lucky.

Ông Dũng cho biết sau khi bị từ chối, đối tác này tỏ ra rất khó chịu khi rời Ba Lan về Việt Nam và cảnh báo ông Dũng sẽ hối hận vì không đồng ý bán 70% công ty. Ngay lập tức, Ban Giám đốc Công Ty An Thái tuyên bố ông Dũng sẽ phải trả tiền mặt nếu muốn mua tiếp hàng, dù hợp đồng trước đó cho ông công nợ 30 ngày và hạn mức tối đa là 500.000 USD.

"Tôi lúc đó thực sự rất giận vì sự tham lam và thiển cận của tay Chủ tịch An Thái, tôi quyết định ngừng nhập Lucky và chỉ bán Thiên Hương. Tuy nhiên, do chưa có nhãn hàng nào thay thế Lucky ngay nên tôi dần mất thị phần mì phân khúc trung cao vào tay đối thủ cạnh tranh. 

Đúng ra lúc đó tôi cần bình tĩnh hơn, mềm mại hơn, kéo dài thời gian để tìm được đối tác chất lượng tương đương thay thế cho Lucky, chứ không để trống thị trường như vậy", CEO của Dh Foods chia sẻ.

Phía An Thái, dưới vị thế là một công ty sản xuất, cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ khi mất đơn hàng 5 - 6 triệu gói/tháng. Chủ tịch An Thái sau đó đã tuyển người từ Việt Nam qua Ba Lan, thành lập công ty với mục đích tự phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, theo lời kể của ông Dũng, công ty này chỉ tồn tại được khoảng một năm rồi phá sản, còn nhân viên thì "ôm tiền chạy mất".

Sau khi nếm thất bại ở thị trường Ba Lan, An Thái đẩy mạnh xúc tiến thị trường Nga, sản xuất và đưa 100 - 200 container qua nước này. Nhưng, do đối tác bên Nga không làm đúng thỏa thuận là thanh toán khi hàng đến cảng, An Thái không giao số hàng trên và lưu kho tại cảng. 

"Sau này nghe nói hàng hết đát và tiền lưu kho khủng quá… dẫn đến phá sản công ty An Thái. Tôi nghe nói Sở Công Thương Long Xuyên mua lại công ty An Thái sau đó bán lại cho một đại gia kinh doanh bột mì trên Sài Gòn. 

Đại gia này xây nhà máy lớn ở Trảng Bom, gỡ dây chuyền ở nhà máy Long Xuyên đưa về Trảng Bom. Nhưng do nhảy vào ngành mì mà không có kinh nghiệm, không có chuẩn bị nên năm 2012 cũng phá sản, nợ lên đến mấy trăm tỷ", ông Dũng chia sẻ.

Từ câu chuyện này, ông Dũng rút ra bài học là không nên quyết định khi nóng giận, cho dù đối tác có "xấu tính" thế nào. "Cứ kiên nhẫn chuẩn bị và chỉ hành động khi mình đã sẵn sàng. Và chính từ kinh nghiệm đó mình đã đưa Dh Foods thoát khỏi khủng hoảng cuối 2020 đầu 2021 với một đối tác tương tự An Thái, tuy nhiên đó lại là câu chuyện khác", ông Dũng chia sẻ.

Tường Vy