83,9% doanh nghiệp Việt ủng hộ tham gia các Hiệp định thương mại tự do
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: FTA VN - EU sẽ ký vào cuối năm? | |
Bộ Công Thương hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA |
Doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia FTA chiếm số đông
Tổng cục Thống kê cho biết, đã điều tra mẫu 3.500 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo (ngành có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế) của Việt Nam về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp.
Kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 94,5% doanh nghiệp cho rằng họ biết đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến các hiệp định.
Theo kênh thông tin nhận biết, có tới 86,9% doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại thông qua kênh truyền thông; 16,3% qua các hiệp hội; 15,1% qua cơ quan quản lý nhà nước; 10,8% qua đối tác kinh doanh; còn lại 8,8% qua các kênh thông tin khác.
Đặc biệt, có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ; 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng), 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến, chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối.
Có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế. (Ảnh minh họa) |
Kết quả của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với với cộng đồng kinh tế ASEAN có tới 81,1% số doanh nghiệp đánh giá có ảnh hưởng; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có 77,1%; Việt Nam - Nhật Bản 69,1%;Việt Nam - Hàn Quốc 62,4%; Việt Nam - Liên Minh Châu Âu 61,0%; Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu 57,6%; các hiệp định khác chỉ có 5,6%.
Đưa ra đánh giá về ảnh hưởng có lợi khi quan hệ với các đối tác nước ngoài, có 42,1% doanh nghiệp lạc quan với đối tác khu vực Đông Á Thái Bình Dương; 42,0% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Mỹ; 35% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Đông Nam Á và Châu Âu; 23,6% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Trung Quốc và 20,7% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Châu Mỹ La tinh.
Trong các nội dung của hiệp định thương mại, thì nội dung về thương mại hàng hóa có tác động tích cực nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với 38,8%, có 36,8% doanh nghiệp cho rằng đầu tư là nội dung tiếp theo tác động tích cực, thương mại điện tử là 35,1%, lao động là 31,2%, thấp nhất là chính sách cạnh tranh chỉ có 24,6% doanh nghiệp cho rằng tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi đề cập đến những mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ/các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại, thì có tới 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% doanh nghiệp muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48,9% doanh nghiệp muốn có thông tin về thị trường trong nước.
Để nắm bắt các cơ hội từ hội nhập thì dự định doanh nghiệp mong muốn theo đuổi nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm chiếm 75,1%, mở rộng sản xuất chiếm 69,2% và tìm kiếm thị trường mới 62,1%. Tiếp đến là thay đổi nâng cấp công nghệ chiếm 43,9%. Tăng vốn và đào tạo, đào tạo lại lao động chiếm lần lượt là 32,9% và 31,9%.
Doanh nghiệp công nghệ cao có sự tăng trưởng nhanh
Liên quan đến những chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp ngành công nghiệp theo trình độ công nghệ, Kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2011-2016 có xu hướng tích cực xét theo trình độ công nghệ của các doanh nghiệp.
Cụ thể, các chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp công nghệ cao có tốc độ tăng bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2016 gồm: số doanh nghiệp tăng bình quân 9,0%; số lao động tăng 11,2%; vốn sản xuất kinh doanh tăng 21,1%; doanh thu tăng 24,6%; lợi nhuận tăng 33,1%; thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng 19,4%.
Do có tốc độ tăng trưởng nhanh nên các doanh nghiệp công nghệ cao ngày càng có tỷ lệ đóng góp nhiều hơn trong ngành chế biến, chế tạo.
Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành chế biến, chế tạo năm 2011 và 2016 của các chỉ tiêu cơ bản như sau: Số doanh nghiệp tăng từ 11,8% lên 12,7%; lao động tăng từ 15,7% lên 19,2%; vốn sản xuất kinh doanh tăng 25,1% lên 31,3%; doanh thu tăng nhanh từ 27,4% lên 40,3%; lợi nhuận chiếm tỷ trọng cao và tăng nhanh từ 43,3% lên 53,4%; thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng từ 31,3% lên 38,7%.
Các doanh nghiệp công nghệ cao cũng hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các doanh nghiệp công nghệ trung bình và thấp. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ cao năm 2016 đạt 7,5%, trong khi tỷ lệ tương ứng của các doanh nghiệp công nghệ trung bình và thấp là 4,4%.
Thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2016 của doanh nghiệp công nghệ cao đạt 8,38 triệu đồng, gấp 1,8 lần năm 2011, trong khi thu nhập bình quân tương ứng của các doanh nghiệp công nghệ trung bình là 7,25 triệu đồng và của doanh nghiệp công nghệ thấp là 6,3 triệu đồng.