Những đòi hỏi từ EVFTA
Một chặng đường dài
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) mới đây tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ.
Hai bên cùng thống nhất sớm trình các cơ quan có thẩm quyền của hai bên để có thể tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn cả hai Hiệp định.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: “Tôi hi vọng, EVFTA sẽ được thông qua và có hiệu lực đầu năm 2019”. Ảnh minh hoạ: baocongthuong. |
Ủy ban Châu Âu cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành biên dịch văn kiện EVFTA sang 22 ngôn ngữ chính thức của EU và khởi động quá trình rà soát pháp lý đối với văn kiện IPA.
Theo quy định, EVFTA sẽ phải được thông qua tại Nghị viện của 28 nước thành viên EU và sau đó phải được Nghị viện Châu Âu thông qua. Hiện chưa rõ, số phận của hiệp định này sẽ như thế nào trong trường hợp một nghị viện không bật đèn xanh thông qua.
Như vậy, đã gần 3 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và EU công bố kết thúc đàm phán EVFTA vào tháng 8 năm 2015.
Vào tháng 9 năm 2017, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Bernd Lange hy vọng, hiệp định sẽ được thông qua vào mùa hè này.
Những diễn biến trên cho thấy, Hiệp định được trông chờ này đã mất rất nhiều thời gian sau khi được khởi động đàm phán gần 10 năm trước.
“Tôi hi vọng, EVFTA sẽ được thông qua và có hiệu lực đầu năm 2019”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Nguồn lợi không trước mắt
Hiệp định thương mại này sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế (trên 99%). Hiện nay, Việt Nam mới được hưởng 0% thuế nhập khẩu cho khoảng 42% nhóm hàng, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU.
Đổi lại, Việt Nam sẽ tự do hóa đối với 65% các dòng thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam tại thời điểm thực thi Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ được dần xóa bỏ trong giai đoạn 10 năm.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng hơn 16% so cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Công Thương.
Theo con số tính toán sơ bộ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4-6% vào 2019 so với nếu không có EVFTA, tương đương tăng thêm khoảng 19 tỉ USD. Đến 2028, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng thêm hơn 75 tỉ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá: “Đây là một trong những hiệp định xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và các ngành hàng Việt Nam”.
Cải cách sâu rộng sau đường biên
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích thương mại và đầu tư, Việt Nam phải cam kết cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Theo Ủy ban Châu Âu, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng các nguyên tắc phổ quát về nhân quyền; tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn; tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế; xử lý các hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực ô tô; mở cửa đấu thầu trong các hợp đồng mua sắm công của các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam; tuân thủ các cam kết môi trường, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu…
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, "Sẽ có hàng loạt luật, văn bản pháp quy cần phải sửa đổi”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng tiết lộ, còn ba lĩnh vực EU “rất quan tâm” liên quan đến lao động, công đoàn; chống đánh bắt cá trái phép; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Liên quan đến lao động và công đoàn, một nguồn tin cho biết, quy định này trong EVFTA tương tự như trong CPTPP. Có nghĩa người lao động có quyền thành lập các tổ chức công đoàn; các tổ chức đó lại được liên kết theo chiều dọc lẫn chiều ngang.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải phê chuẩn 3 công ước cốt lõi còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để đảm bảo môi trường lao động bình đẳng, đảm bảo lợi ích công bằng cho người lao động. Dự kiến, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số luật như Lao động, Công đoàn,... Những luật này từng dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khi TPP còn được hy vọng ký kết trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Liên quan đến chống đánh bắt cá trái phép, đây thực sự là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách thủy sản. Một đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến kiểm tra tại Việt Nam trong trung tuần tháng Năm vừa rồi; và sẽ quay lại để xem xét vấn đề "thẻ vàng" với thủy sản của Việt Nam vào tháng 1/2019.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn đã ghi nhận một số thách thức trongkiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
Những vấn đề nền tảng này cần phải được giải quyết ngay lập tức nếu không muốn bị thêm “thẻ vàng”, thậm chí “thẻ đỏ” từ EC.
Vấn đề môi trường và phát triển bền vững cũng không đơn giản, dù lãnh đạo Việt Nam đẵ khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”.
Trong lần đến Việt Nam cuối năm ngoái, nghị sĩ Bernd Lange cho biết thêm, EU đòi hòi Việt Nam cần tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tư vấn trong việc tham vấn cho các chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.
Ông nói, đây không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề mang tính nguyên tắc, là quy định, luật lệ quốc tế đã được công nhận rộng rãi để đảm bảo thương mại công bằng. Nghị viện châu Âu bám chặt vào các nguyên tắc này.
Rõ ràng, với Việt Nam lợi ích kinh tế từ EVFTA sẽ luôn song hành với những cam kết cải cách sau đường biên. Điều đó phải là sự phối hợp tổng thể trong hoạch định chính sách của tất cả các bộ, ngành chứ không riêng rẽ một ai.