|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 giải pháp cho ngân hàng truyền thống trong thời kì cạnh tranh khốc liệt với e-bank

09:27 | 20/08/2019
Chia sẻ
Với hàng loạt các đối thủ mới nổi lên từ lĩnh vực fintech và ngân hàng điện tử, các ngân hàng truyền thống nên làm gì để giữ được vị thế của mình?

Các ngân hàng truyền thống đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ cạnh tranh mới. Nhóm công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Facebook đều đang bước chân vào lĩnh vực tài chính và các công ty khởi nghiệp fintech qui mô nhỏ hơn lại có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. 

Hiện nay, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung gây nhiều biến động, nhiều chính phủ đã ban hành thêm các qui định mới nhằm thắt chặt ngành tài chính, đẩy các ngân hàng vào tình thế khó khăn hơn nữa. Vị thế độc quyền của nhóm ngân hàng truyền thống đang bắt đầu lung lay. 

Tại Hong Kong, các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Xiaomi đã nhận được giấy phép hoạt động cho loại hình ngân hàng điện tử. Giờ thì họ hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống trên một sân chơi bình đẳng. 

Để giữ thị phần hiện tại, các ngân hàng cần tái định vị thương hiệu trên thị trường và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm điện tử tốt hơn. Các chuyên gia của tạp chí ABF đã liệt kê 5 giải pháp cấp bách cho nhóm ngân hàng truyền thống.

1. Nhấn mạnh những dịch vụ và ưu đãi độc quyền

Các dịch vụ và sản phẩm hiện tại cần được tái cơ cấu và các ngân hàng cần thiết lập các giải pháp dành riêng cho khách hàng nhằm thể hiện một cách nổi bật nhất những gì ngân hàng đại diện, cách thức hoạt động và lí do tại sao họ xứng đáng được khách hàng lựa chọn. 

Điều quan trọng là tập trung vào phân khúc khách hàng trọng yếu vì giá trị sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng giữa các phân khúc rất khác biệt. 

Một ngân hàng cần đưa ra chiến lược giới hạn trong đối tượng khách hàng lớn nhất thay vì dàn trải cũng như giới hạn các đối tượng có thể tiếp cận dịch vụ giá cao nhằm tạo sựtính hấp dẫn từ yếu tố độc quyền.

2. Cải thiện mối quan hệ khách hàng

Các công ty Fintech đã khởi động bằng cách từ các giải pháp tài chính chi phí thấp cho nhóm khách hàng thích hợp. Sau đó, họ thường theo chiến lược mở rộng đối tượng và cung cấp các dịch vụ phụ trợ hoặc quyền tiếp cập các tính năng quản lí tài sản bổ sung. 

Ví dụ điển hình là Revolut hoặc Transferwise trong lĩnh vực thanh toán và chuyển tiền. Mặt khác, các ngân hàng truyền thống cũng có thể mở rộng các sản phẩm và dịch vụ đang là thế mạnh để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có. 

Cải thiện mối quan hệ cá nhân với nhóm khách hàng hiện tại và tiềm năng nhằm giữ chân họ là điều hết sức quan trọng với các khách hàng truyền thống. Thông qua dịch vụ tư vấn cá nhân và đội ngũ các nhà quản lí mối quan hệ công chúng là hai chiến lược khá phổ biến hiện nay cũng như giúp giảm chi phí đáng kể.

shutterstock_718547992-min

Công nghệ hiện đại đang thay đổi cục diện thị trường tài chính. Ảnh: AsiaBanking&Finance

Do những công ty fintech được trang bị công nghệ tốt hơn để tính giá thấp, các ngân hàng truyền thống cũng cần điều chỉnh phí dịch vụ để duy trì tính cạnh tranh nhưng các khoản giảm giá này phải mang tính chiến lược, áp dụng phương pháp định giá dựa trên mối quan hệ để nhắm đến những khách hàng xứng đáng.

3. Tối ưu hóa chiến lược cung cấp sản phẩm và chiến lược thu phí

Các ngân hàng nên ưu tiên doanh thu từ các dịch vụ tư vấn và lập chiến lược quản lí tài sản, biến chúng thành các dòng doanh thu định kì mới bởi đây chính là thế mạnh của ngân hàng truyền thống so với ngân hàng điện tử. 

Một lượng lớn khách hàng ở châu Á đang nhận được lời khuyên miễn phí và do đó, họ không sẵn sàng trả phí và không hiểu giá trị dịch vụ. Ngoài ra, chênh lệch về giá giữa doanh nghiệp tự định hướng và hợp đồng ủy thác là quá lớn. 

Một giải pháp cấp bách hiện nay là cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính chi phí thấp, tăng cường áp dụng công nghệ với các đề xuất đầu tư được cá nhân hóa gửi qua kênh trực tuyến. Để giảm chi phí chung, các ngân hàng nên tự động hóa qui trình tư vấn.

4. Xây dựng hệ sinh thái tài chính

Với sự gia nhập của những gã khổng lồ công nghệ lớn như Apple và Alibaba kết hợp tiềm năng công nghệ sẵn có với dịch vụ tài chính, các ngân hàng cần phải đổi mới nhanh hơn bao giờ hết để duy trì tính cạnh tranh về giá trị cung cấp cho khách hàng. 

Các công ty công nghệ lớn này trước tiên thường phục vụ các nhu cầu khác của khách hàng như thương mại điện tử trước khi mở rộng sang lĩnh vực tài chính. Điều này mang lại cho họ lợi thế lớn về mạng lưới dịch vụ hỗ trợ và nhóm khách hàng. 

Vì vậy, các ngân hàng cần tập trung nỗ lực giữ chân khách hàng bằng cách cung cấp cho họ hệ sinh thái riêng biệt và thiết lập quan hệ với các đối tác phù hợp để tạo ưu đãi và trải nghiệm liền mạch như các hãng hàng không, công ty bảo hiểm, fintech và nhà bán lẻ.

5. Tạo trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng 

Nhóm công ty Fintech nổi bật nhờ cung cấp qui trình tiếp cận dịch vụ khá đơn giản và tiện lợi cho khách hàng. Đối với các dịch vụ bổ sung, họ sử dụng trí thông minh nhân tạo và máy phân tích để nhắm mục tiêu khách hàng phù hợp và cá nhân hóa tính năng của dịch vụ. 

Do đó, các ngân hàng truyền thống cần tận dụng những thông tin từ dữ liệu hiện có và đề xuất dịch vụ trong toàn bộ thời gian trải nghiệm của khách hàng. 

Phần mềm quản lí doanh thu thông minh có thể giúp nhóm quản lí quan hệ phân tích mối quan hệ với khách hàng, đề xuất các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất tiếp theo nhằm cải thiện khả năng thuyết phục khách hàng tiếp tục hợp tác.

Trong bối cảnh cạnh tranh mới mẻ và khốc liệt, các ngân hàng truyền thống cần xây dựng lộ trình chuyển đổi ưu tiên, tái xác định giá trị cốt lõi của mình và hình thành một ngân hàng mới từ những điều nhỏ nhất. 

Giờ đây, họ cần phải nắm giữ thế hệ khách hàng tiếp theo trước khi quá muộn. Nếu một ngân hàng truyền thống mất đi cơ sở khách hàng tiềm năng của mình vào thời điểm này, họ sẽ không bao giờ có cơ hội tồn tại trong vòng 10 năm tới.

Thu Phương

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.