|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận ngân hàng đang phân hóa

13:00 | 15/08/2019
Chia sẻ
6 tháng đầu năm chứng kiến sự phân hóa trong lợi nhuận giữa các ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khả năng tăng trưởng tín dụng và chi phí dự phòng rủi ro.

Hai "thái cực" trong lợi nhuận ngân hàng

Theo thống kê của người viết, tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt 54.383 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kì năm trước. 

10 ngân hàng lớn có lợi nhuận lớn nhất gồm Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, ACB, HDBank, VIB và TPBank đã chiếm tới 84% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng, đạt 45.563 tỉ đồng.

Hai quí đầu năm 2019 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt trong tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, có tới 9 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm, 5 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dưới 10% và có 13 ngân hàng tăng trên 10%.

Lợi nhuận các ngân hàng đang phân hóa mạnh - Ảnh 2.

Biến động lợi nhuận của một số ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 (đơn vị: tỉ đồng)

Ở nhóm 3 ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi Vietcombank vẫn thể hiện được "phong độ" ổn định với mức lợi nhuận kỉ lục hơn 11.300 tỉ đồng (tăng 41% so với cùng kì) thì VietinBank và BIDV chững lại thậm chí tuột dốc. 

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận VietinBank chỉ tăng 1,3% với 5.335 tỉ đồng; còn lợi nhuận BIDV giảm 4% xuống 4.772 tỉ.

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: 'Người tăng phi mã, kẻ lao dốc' - Ảnh 2.

Biến động lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 (Nguồn: QT tổng hợp)

Trong các NHTM cổ phần đang niêm yết, sự phân hóa còn diễn ra còn diễn ra mạnh mẽ hơn khi hình thành hai nhóm tăng trưởng. 

Nhóm tăng trưởng mạnh lợi nhuận như LienVietPostBank (tăng 81%), TPBank (tăng 58%), VIB (tăng 58%), SHB (tăng 53%), Sacombank (tăng 47%) và MBBank (tăng 27%).

Nhóm thứ hai gồm những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hay sụt giảm như Techcombank (tăng 9%), HDBank (tăng 7,2%), Kienlongbank (tăng 0,6%), BacABank (tăng 0,4%), VPBank (giảm 0,8%), ABBank (giảm 7%) và Eximbank (giảm 29%).

Ở các ngân hàng chưa niêm yết, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cũng diễn biến trái chiều khi xuất hiện những ngân hàng tăng mạnh như MSB (tăng 192%), SeABank (tăng 69%), SCB tăng 43%….

Đồng thời cũng có cả các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận mạnh như VietABank (giảm 21%), VietABank giảm 19%, VietCapitalBank (giảm 18%), OCB (giảm 14%).

Lợi nhuận các ngân hàng đang phân hóa mạnh - Ảnh 3.

Biến động lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 (Nguồn: QT tổng hợp)

Điều gì dẫn tới sự phân hóa lợi nhuận?

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng, có tới 77% tổng thu nhập hoạt động đến từ thu nhập lãi thuần. Do vậy, sự tăng trưởng nguồn thu các ngân hàng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập lãi thuần.

Trong khi đó, theo nhận định của giới phân tích năm 2019, dư địa tăng trưởng biên lợi nhuận ròng (NIM) của ngành ngân hàng có xu hướng chậm lại do áp lực tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay ổn định. Do đó, để tăng thu nhập lãi thuần thì cần trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng.

Thực tế từ báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm có thể nhận thấy những ngân hàng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh đều có tăng trưởng cho vay trên mức bình quân chung của ngành (7,33%).

Điển hình như trường hợp của TPBank và VIB với tăng trưởng lợi nhuận 58%, tăng tưởng cho vay lần lượt là 15,3% và 19,1%, hay như MSB có tăng trưởng lợi nhuận 192% thì tăng trưởng cho vay cũng đạt 13,7%.

Ngược lại, đa phần ngân hàng lợi nhuận giảm đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hoặc âm, như ABBank (lợi nhuận giảm 7%, cho vay tăng trưởng âm 5%) hay Eximbank (lợi nhuận giảm 29%, cho vay chỉ tăng 1,9%).

Lợi nhuận các ngân hàng đang phân hóa mạnh - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: PV tổng hợp)

Bên cạnh thu nhập lãi thuần còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự biến động của lợi nhuận ngân hàng, trong đó biến số "bất ổn" nhất, dễ nhận thấy nhất sự ảnh hưởng là chi phí dự phòng rủi ro.

Tại 27 ngân hàng khảo sát, tỉ lệ chi phí dự phòng rủi ro trên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bình quân ở mức 40%. Cho thấy mức ảnh hưởng của chi phí dự phòng đến lợi nhuận của các ngân hàng là rất lớn.

Minh chứng rõ ràng nhất về tầm ảnh hưởng của chi phí trích phòng đối với lợi nhuận của các ngân hàng là trường hợp của BIDV. Trong ba ngân hàng nhóm Big4 đã công bố báo cáo tài chính quí II/2019, BIDV đứng đầu về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng lại xếp cuối về lợi nhuận trước thuế. 

Với gần 15.500 tỉ đồng lợi nhuận thuần, BIDV trích tới hơn 10.700 tỉ cho chi phí dự phòng rủi ro (tương đương 69%). Mức trích lập của BIDV cao hơn nhiều so với Vietcombank (23%) và cao hơn VietinBank (58%).

Nói cách khác, với 10 đồng lợi nhuận làm ra, BIDV chỉ phải trích gần 7 đồng để dự phòng rủi ro, trong khi VietinBank phải trích gần 6 đồng và Vietcombank chỉ là hơn 2 đồng. 

Lợi nhuận các ngân hàng đang phân hóa mạnh - Ảnh 3.

Cơ cấu lợi nhuận của Vietcombank, VietinBank và BIDV 6 tháng đầu năm 2019 (đvt: Tỉ đồng). (Nguồn: PV tổng hợp)

Ngoài BIDV, một số ngân hàng khác cũng lâm vào tình trạng tương tự với tỉ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần rất cao như VPBank (60%), PGBank (65%), VietABank (51%)… Và chi phí dự phòng là một trong những yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận các nhà băng này sụt giảm trong hai quí vừa qua.

Trong khi lợi nhuận một số ngân hàng bị "ăn mòn" bởi chi phí dự phòng rủi ro thì một số nhà băng lại hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm loại chi phí này.

Điển hình là trường hợp của SCB, mặc dù lợi nhuận thuần trong 6 tháng đầu năm giảm gần 76% so với cùng kì 2018 nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 44% nhờ giảm 84% chi phí dự phòng. Tương tự, lợi nhuận Techcombank tăng 9% chủ yếu từ việc giảm 77% chi phí dự phòng rủi ro.

Việc trích lập dự phòng rủi ro nhiều hay ít phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro cũng như tình trạng nợ xấu của từng ngân hàng.

Những ngân hàng đã hoàn thành việc xử lí nợ xấu tồn đọng có lợi thế hơn do lượng dự phòng rủi ro mới phải trích lập ít hơn, điều này giúp lợi nhuận tăng trưởng, đồng thời ngân hàng có khả năng ghi nhận thu nhập bất thường từ thu hồi nợ.

Còn những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu cần thêm thời gian để trích lập dự phòng rủi ro, kéo theo lợi nhuận khó tăng đột biến.

Quốc Thụy