|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng châu Âu chạy đua trong cuộc chiến chống tiền bẩn

09:22 | 16/08/2019
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân lực khi quyết định tự động hóa hệ thống phòng chống tiền bẩn.

Trong nhiều thập kỉ qua, ứng dụng công nghệ máy tính trong nhiều ngành công nghiệp đã làm gia tăng nguy cơ mất việc của người lao động. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính lại khiến tình hình này đảo ngược. 

Các ngân hàng trên khắp châu Âu đang cần lượng lớn nhân lực tham gia vào cuộc chiến chống rửa tiền, theo Bloomberg.

Xuất phát từ hàng loạt các vụ bê bối và hơn 20 tỉ USD tiền phạt kể từ năm 2012, nhiều khách hàng gửi tiền đang lợi dụng trí thông minh nhân tạo để thực hiện các hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc thực sự của dòng tiền. 

Từ đó, các ngân hàng phải đối mặt với tập khách hàng không đáng tin cậy nhiều tới mức phải thuê một lượng lớn nhân viên phụ trách, sắp xếp và chọn lọc những khách hàng nghi ngờ có hành vi xấu.

1000x-1

Tội phạm rửa tiền đang là nguyên nhân gây ra khủng hoảng nhân lực tại nhiều ngân hàng châu Âu - Ảnh: Bloomberg.

Theo Boston Consulting Group, khách hàng xấu và tội phạm tài chính ngày nay chiếm khoảng 3% số người dùng tài khoản ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu, cao gấp đôi so với năm 2013.  

BCG nói: "Thay vì đánh giá sự tín nhiệm của khách hàng sau 3-5 năm như trước đây thì các ngân hàng lớn thường phải chi hơn 300 triệu USD hàng năm cho việc thuê nhân viên đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng". 

Ngân hàng đầu tư Mediobanca SpA ước tính các ngân hàng châu Âu sẽ phải thuê 10.000 nhân viên trong vòng 2 năm tới để phục vụ mục tiêu này trong khi nguồn nhân viên đáp ứng được chất lượng công việc này lại ngày càng thiếu hụt. 

Dù lãi suất thấp và nền kinh tế khu vực tăng trưởng kém, các ngân hàng không còn sự lựa chọn nào khác. Vào tháng 1/2020, các qui định chống rửa tiền mới của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực, thắt chặt các qui tắc và mở rộng phạm vi giám sát.

Danske Bank AS cho biết có tới 220 tỉ USD giao dịch đáng ngờ được chuyển qua chi nhánh ở Estonia và cần tới 600 nhân viên để sàng lọc khách hàng. ING Groep NV trong năm 2018 đã phải trả khoản tiền phạt 775 triệu euro (860 triệu USD) để giải quyết các vụ rửa tiền. Trong quý II năm nay, họ đã huy động thêm 500 nhân viên để theo dõi các giao dịch đáng ngờ. 

Norbert Gittfried, đối tác thân thiết của BCG nhận định: "Nhu cầu lao động ngày càng tăng lên và các ngân hàng đang trải qua khủng hoảng nhân lực".

Công ty cho vay lớn nhất của Pháp, BNP Paribas SA, đã tăng 40% tỉ lệ nhân viên (tương đương lên 4.200 người) nhận nhiệm vụ chuyên trách chống tội phạm tài chính chỉ trong 3 năm qua.
Dù các ngân hàng không thể chống rửa tiền nếu không có sự trợ giúp của công nghệ máy tính nhưng công nghệ hiện đại này cũng không thể đảm bảo được độ chính xác tuyệt đối. Nguy cơ ngân hàng để lọt lưới tội phạm là rất lớn. 

Hơn nữa, giới tội phạm tài chính ngày càng tìm ra nhiều cách tinh vi hơn để che giấu nguồn gốc dòng tiền như các trang web phức tạp của các công ty nước ngoài hoặc chuyển tiền nhanh chóng trên khắp thế giới thông qua tính năng chuyển khoản trực tuyến và tiền điện tử. 

Máy tính có thể phát hiện và nhận diện những giao dịch đáng ngờ nhưng thông thường, chúng không đủ thông minh để phân tích chính xác bản chất một giao dịch của khách hàng.

Đó là lí do tại sao các ngân hàng cần những người như chuyên gia Carolien Al-sabbag. Chuyên viên điều tra tài chính 29 tuổi hiện đang làm việc tại chi nhánh ngân hàng Rabobank ở Zeist, một thị trấn cách Amsterdam khoảng 45 phút chạy xe về phía nam. 

Một ngày gần đây, cô nhận được thông báo một khách hàng có danh mục đầu tư bất động sản khá lớn đã thực hiện hàng loạt các giao dịch trị giá vượt quá 10.000 euro và nguồn tiền không rõ ràng. 

Sau quá trình tìm kiếm trên Google và liên lạc với kế toán của khách hàng này, Al-sabbag phát hiện nhiều điểm đáng ngờ về khối tài sản tín dụng và bất động sản thuộc sở hữu người khách. 

Trách nhiệm của Carolien là gửi bằng chứng thu thập được tới một giám sát viên, người sẽ quyết định có nên trình báo với cảnh sát hay không. Al-sabbag chia sẻ: "Mọi người thường thấy phiền phức khi chúng tôi điều tra và đặt câu hỏi với họ nhưng sau hàng loạt vụ bê bối gần đây, một số người cũng đã hiểu ra được phần nào tính chất công việc của chúng tôi".

Tuy nhiên, Charles Delingpole, giám đốc điều hành của ComplyAdvantage, công ty có trụ sở tại London hiện đang cung cấp phần mềm chống rửa tiền cho hơn 400 khách hàng, bao gồm cả Banco Santand UK và Earthport cho biết: "Việc thuê vô số nhà điều tra dường như không phải giải pháp hiệu quả". 

"Khách hàng cho vay sẽ bị theo dõi sát sao từng thao tác trên tài khoản và ngay cả trên các ứng dụng giao dịch trên điện thoại. Điều này có thể làm dấy lên lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư", Charles nói thêm. 

Thu Phương