|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 chiến dịch quảng cáo tràn đầy cảm hứng dành cho phái đẹp

06:47 | 08/03/2021
Chia sẻ
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hãy cùng nhìn lại những chiến dịch quảng cáo đầy ý nghĩa về phái đẹp trên toàn thế giới.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là một dịp đặc biệt để thế giới tôn vinh vai trò của những người phụ nữ, một nửa không thể thiếu của nhân loại. Cũng trong dịp này, không ít các thương hiệu hay tổ chức trên thế giới đã tung ra những chiến dịch quảng cáo đầy cảm hứng, sáng tạo và truyền đi những thông điệp quan trọng về phái đẹp.

Women's Aid – "Look at Me"

(Video: Woman's Aid).

Chiến dịch "Look at Me" của Women's Aid là một trong những chiến dịch quảng cáo nhận nhiều giải thưởng và đã tiếp cận được với 326,9 triệu lượt người, theo số liệu từ trang MarketingGuru. "Look at Me" xoay quanh những biển quảng cáo lớn ngoài trời có thể tương tác. Women's Aid đã thực hiện chiến dịch cùng WCRS và Ocean Outdoor.

Cụ thể, trong chiến dịch này, Women's Aid đã đặt màn hình quảng cáo lớn ở các khu vực có đông lưu lượng người qua lại ở Anh như Canary Wharf và Birmingham Bullring. Trên bảng quảng cáo hiển thị hình ảnh một người phụ nữ đã bị đánh và bầm tím mặt. 

Nhờ khả năng tương tác, mỗi khi một người đi qua bảng quảng cáo mà không để ý đến hình ảnh, hình ảnh của người phụ nữ sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, nếu mọi người dừng lại và nhìn, vết bầm sẽ dần mờ đi và các vết thương sẽ lành dần.

Để thực hiện chiến dịch, Women's Aid đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Thông qua camera, bảng quảng cáo có khả năng phát hiện ra ai đó đang nhìn vào quảng cáo để thay đổi hình ảnh hiển thị. Màn hình được lập trình để các vết thương lành lặn nhanh hơn khi số lượng người nhìn vào biển quảng cáo tăng lên.

Nhờ sự sáng tạo nói trên, thông điệp của quảng cáo đã truyền tải trọn vẹn đến người xem: không nên im lặng trước bạo lực.

Dove – "Real Beauty"

(Video: Dove US).

Chiến dịch "Real Beauty" của Dove là một trong những chiến dịch thực hiện vào dịp ngày Quốc tế Phụ nữ mà đến nay vẫn còn được thường xuyên nhắc lại. Dự án này nói đến khoảng cách giữa sự tự nhìn nhận về bản thân của phụ nữ và sự nhìn nhận về họ của những người lạ.

Trong chiến dịch, Unilever hợp tác với ông Gil Zamora, một hoạ sỹ pháp y FBI huấn luyện. Những người phụ nữ trong chiến dịch sẽ tham gia vào hai cuộc vẽ tranh "mù" khác nhau. Một bức vẽ thực hiện dựa trên những gì chính họ mô tả về bản thân và bức còn lại thực hiện dựa trên những gì người khác mô tả họ.

Những bức tranh trong chiến dịch cho thấy cách phụ nữ tự mô tả họ luôn cho ra một bức tranh có phần nhìn tệ hơn bức tranh còn lại.

Thông điệp của chiến dịch trùng khớp với mục tiêu của dòng sản phẩm Dove là giải phóng phụ nữ khỏi những tiêu chuẩn về vẻ đẹp của xã hội.

Chiến dịch của Dove được thực hiện vào năm 2014 và đến nay đã có khoảng 70 triệu lượt xem trên YouTube.

Barbie - "Close The Dream Gap"

(Video: Barbie).

Chiến dịch của Barbie vào năm 2018 được thực hiện dựa trên một nghiên rằng, kể từ năm 5 tuổi, các bé gái bắt đầu hình thành một suy nghĩ tự giới hạn bản thân rằng chúng không thông minh như những bé trai.

Thông qua chiến dịch, Barbie muốn cung cấp các công cụ và nguồn lực để các bé gái theo duổi giấc mơ của mình và có thêm niềm tin vào bản thân. Barbie cũng hợp tác với trang gọi vốn GoFundMe để tìm kiếm nguồn vốn góp phần tạo ra một sân chơi bình đăng hởn cho các bé gái. Cuối cùng, họ kêu gọi 250.000 USD dành cho ba tổ chức từ thiện hướng tới các bé gái.

Cùng nằm trong chiến dịch "Close The Dream Gap", Barbie tạo ra nhiều búp bê lấy cảm hứng từ những người phụ nữ nổi tiếng trên thế giới, bao gồm các nhà vô địch Olympics, các vận động viên khuyết tật và nhà báo.

Always (P&G) – #LikeAGirl

(Video: Always).

Chiến dịch quảng cáo sản phẩm băng vệ sinh Always của P&G đến từ kết quả nghiên cứu cho rằng sự tự tin của nữ giới giảm nhanh gấp đôi so với nam giới kho họ bước vào tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, nữ giới cũng không bao giờ có thể lấy lại mức độ tự tin như trước thời kỳ dậy thì.

Một trong những lý do cho thực tế nói trên là những định kiến của xã hội dành cho phái đẹp. Xã hội thường có xu hướng nghĩa rằng sự lãnh đạo, sức mạnh không dành cho phái đẹp và bản chất là con gái đã "không đủ tốt". 

Hơn thế nữa, cụm từ "like a girl" (tạm dịch: như con gái) cũng thường dùng để diễn đạt tính tiêu cực. Chiến dịch Always (P&G) – #LikeAGirl mong muốn thay đổi suy nghĩ về cụm từ "like a girl". Thay vì để diễn đạt ý nghĩa tiêu cực, "like a girl" có nghĩa là làm một điều gì đó tốt nhất có thể.

Một thời gian ngắn sau khi tung ra, Always (P&G) – #LikeAGirl đã dành 90 triệu lượt xem trên toàn cầu. Bên cạnh đó 177.000 dòng tweet gắn với hashtag #LikeAGirl đã được chia sẻ trên Twitter chỉ trong ba tháng đầu tiên. Đáng nói, trong một nghiên cứu thực hiện vào tháng 12/2014, gần 70% nữ giới và 60% nam giới được hỏi nói rằng đoạn quảng cáo đã làm thay đổi quan điểm của họ về cụm từ "như con gái".

Thái Sơn